Post: : Admin

Khí xả sở trường (quăng bỏ sở trường) là tựa đề một suy ngẫm trong hàng trăm suy ngẫm trong suốt cuộc đời xuất gia tu hành và hoằng dương của bậc Cao tăng cuối thời nhà Minh, ngài Liên Trì Vân Thê Châu Hoằng , do chính Ngài viết trong quyển “Nhật ký” nhan đề Trúc Song Tùy Bút .



“Phàm nhân mà có sở trường gì, ắt gắn liền, không thể xả bỏ được. Ví dụ như người có sở trường về văn thơ, về chính sự, về buôn bán, về quân trận… cho đến sở trường về thư, họa, cầm, kỳ, đều gồm hết cái tinh anh, dốc toàn thần khí, vắt trọn trí lực, tận cùng sự khéo léo, để theo đuổi sự nghiệp; rồi có nhiều người đạt đến cảnh giới sâu xa của sở trường, trở thành nổi danh bất hủ với nghề nghiệp đó trong cuộc đời. Nếu có thể quăng bỏ sở trường đó, chẳng cần dùng đến, đem toàn bộ tinh anh, thần khí, trí lực, khéo léo (trước kia dùng nó theo đuổi sự nghiệp) mà tu tập trí tuệ Bát nhã, thì lo gì đạo nghiệp không thành! Nhưng than ôi, mênh mang kim cổ, xưa nay trong ngàn trăm người, chưa dễ thấy được một hai người!”

Quăng bỏ sở trường

Quăng bỏ sở trường

Thế thường, người ta càng biết sở trường của mình thì càng muốn phát huy để đạt được những gì mong muốn cho sự sống. Dân gian có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tinh xảo đến tuyệt nghệ thì sẽ có thành công nhất định trong cuộc đời. Sự thành công trong đạo học không thể hoàn toàn giống thành công của thế sự.


Ở Trung Hoa xưa, một nam tử hán trước khi học lục nghệ , phải học đạo học của người quân tử: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức…” (Sách Đại Học), nghĩa là phải khơi sáng cái đức sáng của lòng mình. Vì vậy, nhà Nho chân chính, học chữ nghĩa Thánh hiền để trở thành bậc quân tử, không phải để đi mua chức quan. Đó là mục đích rất nhân bản và cao cả của Nho gia chính thống.


Sự học đạo của một người đệ tử Phật môn cũng vậy, chẳng phải học Thiền để làm Thiền Sư, chẳng phải nghiên tầm kinh luận để làm Giảng sư, chẳng phải học và giữ gìn giới luật để làm Luật sư, v.v… Mà tất cả vì đại sự sinh tử, vì làm bậc mô phạm của Nhân Thiên, vì muốn phổ truyền Chánh pháp, giúp chúng sinh đi vào lộ trình giác ngộ, và trở nên bậc Giác Ngộ. Đó là mục đích tuyệt cùng trong sự tự hành hóa tha của chư Phật, chư Tổ đức xưa nay trong lịch sử đạo Phật. Ngài Ngẫu Ích đã gửi gấm tâm sự này khi khuyên một vị Tăng đến học với ngài:

…Việc thọ Giới, học Luật, thính Giáo, xem Kinh, tham Tông, toạ Thiền, nếu kèm theo chút xíu tâm danh lợi tức thành chủng tử của tam đồ ác đạo; nếu chấp trước thủ tướng liền thành chủng tử của thiên ma ngoại đạo cõi trời người; còn nếu chỉ muốn lìa sinh tử thì thành chủng tử của hàng Nhị thừa; nếu đầy đủ tâm chơn thật vì tự giác giác tha tức thành chủng tử của bậc Bồ tát; nếu tu tập theo con đường của bậc Thánh, một khi ánh sáng chân tâm hiển phát, thấu triệt ngọn nguồn rồi hồi hướng Tịnh độ, rộng độ chúng sinh cùng lên Cực Lạc, đây chính là chủng tử của Vô thượng Bồ đề. Cho nên Thanh Nguyên phải ngay nơi nhất niệm hiện tiền mà giữ lấy ngọn nguồn của Thiền – Giáo – Luật, đừng để bị dao động bởi những điều lưu tệ của Thiền – Giáo – Luật ngày nay, cũng như đừng vì mắc nghẹn mà bỏ bữa cơm, vì thế không nên bỏ đi những pháp môn của Thiền – Giáo – Luật. Được như thế, mới khỏi phụ tấm thịnh tình mà đại sư Chuyên Ngu đã gửi các vị đến Tôi tham học.


Và vào đêm giao thừa năm Đinh Hợi này (1647), Ngài thuyết pháp cho mọi người ở chùa U Khê, Tổ Đường:

Chư huynh đệ! Muốn hồi phục bản lai diện mục của mình, phải phá trừ cho được chấp ngã và chấp pháp. Muốn phá trừ hai thứ chấp ấy, trước phải trị cho xong cái tri kiến thế tục. Như thế nào là tri kiến thế tục? Ngày nay, người ta xuất gia tham học thì mong trở thành bậc thầy của người, mong làm bậc thiện tri thức? Chẳng phải điều này là ngã chấp đó sao? Lại nữa, theo Luật thì chê Giáo, theo Giáo thì bài Thiền, theo Thiền thì mạo Giáo khinh Luật? Chẳng phải điều này là pháp chấp đó sao? Giá như hòa dung được, không bài bác lẫn nhau thì cũng hiếm thấy ai kiêm thông bác học ở tông phái khác. Rồi, Luật sư cứ muốn người trì luật thôi, chẳng cần xét xem căn cơ đến bực nào; Pháp sư cứ bảo nghe kinh, chẳng cần xét căn cơ đến bực nào; Thiền sư cứ kêu tham thiền, chẳng cần xét căn cơ đến bực nào? Chẳng phải điều này là hai thứ ngã và pháp chấp đó sao? Họ không biết rằng, ba môn Thiền–Giáo–Luật đều là phương tiện mà Đức Như Lai tuỳ cơ thuyết ra. Giả như có một pháp nào nhất định, thì nay ta cũng vì các huynh đệ phá trừ triệt để! Nếu chơn thật vì việc lớn sinh tử mà trì giới, thì trì giới cũng ngộ đạo; chơn thật vì việc lớn sinh tử mà nghe kinh, thì nghe kinh cũng ngộ đạo; chơn thật vì việc lớn sinh tử mà tham thiền, thì tham thiền cũng ngộ đạo; chơn thật vì việc lớn sinh tử mà tạo phước từ thiện, thì tạo phước cũng ngộ đạo. Chuyên tu một pháp cũng ngộ đạo, mà hợp dung nhiều pháp cũng ngộ đạo. Bởi vì cái nhân địa phát tâm tu đạo vì việc lớn sinh tử là chân chánh vậy. Còn như có ý muốn làm Luật sư mà thọ giới, muốn làm Pháp sư mà nghe kinh, muốn làm Thiền sư mà tham thiền, muốn có quyền thế mà làm từ thiện tạo phước, vậy thì các việc thọ giới, nghe kinh, tham thiền, tạo phước ấy đều đọa vào tam đồ ác đạo. Cho nên Trí Giả đại sư bảo: ‘Còn vì lợi danh mà phát tâm bồ đề, đó là cái Nhân của tam đồ. Sai đi mảy may, đất trời cách biệt. Một khi đã lầm nhận thì vị đề hồ hóa thành độc dược. Kẻ học đạo ngày nay thọ giới, nghe kinh, tham thiền, tạo phước, miệng cũng nói là chơn thật vì việc lớn sinh tử, nhưng trong lòng quả thật chưa biết cái đại khổ của sinh tử nó gấp rút như lửa cháy lông mi như thế nào… chẳng biết từ vô thỉ đến giờ, cứ đầu thai hết kiếp này rồi kiếp khác, oan uổng chịu nhiều đau khổ chua cay? Mà ngày nay may được làm thân người, may có được Tăng tướng, nhưng cũng phải trải qua biết bao nhiêu là khổ nạn, vậy mà không phát tâm mãnh liệt chán lìa sinh tử, điều này có khác gì ‘chim sẻ làm tổ trên cột nhà’ ?! Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp, người xưa thường ví với lúc lâm chung mạng căn sắp hết, còn thời khắc nào cấp bách bằng? Vậy mà người tu hành ngày nay lại hô hào trà thoại, chẳng từng nghĩ đời người trăm năm như bóng thời gian, nay còn mai mất biết khi nào? Điều đó chẳng đau lòng lắm ru? Lúc Tôi xuất gia, người cậu bảo rằng: ‘Làm bậc pháp sư diễn bày thế đế, cháu ta chắc không thèm làm rồi! Vậy ắt sẽ thành bậc thiện tri thức chăng?’Tôi đáp: ‘Phật còn chẳng muốn làm, huống hồ làm cái khác.’Cậu nói: ‘Đã như thế thì cần gì dùng đến hình thức xuất gia?’Tôi thưa: ‘Chỉ cần hồi phục lại mặt thật xưa nay của mình mà thôi.’Cậu bèn vui thuận. Ô hô! Sơ chí Tôi như thế mà còn bị cái hư danh làm hại. Không trọn vẹn được ý chí ban đầu, thật là rất xấu hổ. Huống hồ sơ tâm còn đòi làm bậc thiện tri thức này kia ư? Giả sử như có trở thành một bậc thiện tri thức tuyên bày thế đế đi nữa, thì sẽ cứu giúp được gì? Danh lợi ngày càng nặng, chánh pháp ngày một suy? Hại ngôi nhà Phật pháp, chẳng phải chính đệ tử Phật đó sao? Tôi mắt thấy tai nghe các bậc thiện tri thức, chỉ một mình ngài Tử Bá mà thôi, đã chứng vô sanh, sinh tử tự tại; ngoài ra các bậc đại lão kiến lập đạo tràng, thiết định môn quy, giảng thuyết tường tận, danh vang khắp chốn, mà khi lâm chung không tránh khỏi các thứ ràng buộc, như thế chẳng bằng Sư ông Hám Sơn và sư bá U Khê của Tôi, cuối đời ẩn dật tu niệm thầm lặng, chẳng màng mọi sự, nhưng đều được giải thoát, tự tại sinh tử, ngồi an nhiên mà thị tịch; rồi lại chẳng bằng Thiền sư Tuyết Đình (雪庭, 1203-1275), Pháp sư Linh Nguyên (靈 源, 1564-1636), cả một đời không câu nệ tiểu tiết, lúc lâm chung cũng được an nhiên tự tại. Cho nên biết rằng, việc thi thiết môn đình, không những không ích lợi gì việc gốc tu hành mà còn hại người đáng khiếp. Tôi giận mình nghiệp chướng sâu dày, giới phẩm còn nhiều khiếm khuyết, hạnh trì danh còn tán tâm, song một khi đã thâm tri sự quá hoạn của sinh tử, cho nên quyết không dám làm bộ tịch bộ dạng như thế, lớn gan khi người. Đã hai năm cùng nhau tương ngộ nơi đây, không bao lâu nữa sẽ từ biệt. Vì thế ngày hôm nay phơi bày tâm can, vì các huynh đệ mà nói vài lời cảnh sách sau cùng như thế. Mong để lòng suy ngẫm!


Năm nay cũng là năm Đinh Hợi, có thể cùng huynh đệ chia sẻ một vài tâm ngôn của ngài Ngẫu Ích gửi gắm kẻ tu hành vào đêm Giao thừa, thật là có phúc duyên lắm vậy!
Ngài Ngẫu Ích - Trí Húc và ngài Vân Thê - Liên Trì đều là những vị đại cao tăng cuối thời nhà Minh, Trung Quốc. Tâm sự của quý ngài đều cùng chung sự mong mỏi, mong mỏi hàng tăng sĩ nhắm đến mục đích chính của người xuất gia mà phát nguyện, lập hạnh, mong mỏi người tu hành đừng uổng phí tinh anh, thần khí, trí lực của một đời người để đi tìm những giá trị tầm thường trong cuộc sinh tử. Cũng là ý Phật, ý Tổ xưa nay, nhưng đọc lại những tâm sự ấy, chúng ta không khỏi xúc động trước lời tha thiết không giấu được cái ngậm ngùi của quý Ngài.

Nhan đề “quăng bỏ sở trường” sẽ có thể trái với tư duy của thế gian. Nhưng theo góc độ xuất thế gian, “bổn phận sự” của người xuất gia, câu nói ấy thực sự chính là “lão bà tâm” của quý Ngài đối với hàng hậu học vậy


ĐĐ. Thích Quảng Niệm

Trích Hương Tràm 2 - trường trung cấp Phật học Đồng Nai





Tăng, các trước thuật xưa nay, sự hòa hợp Nho-Thích, Kinh Lăng Nghiêm… (PQĐTĐ., quyển 3, tr. 2503).

[1] Trích Trúc Song Tùy Bút, Liên Trì Đại Sư trước tác, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội in, 2004, tr. 31.

[1] Lục nghệ: lễ, nhạc, xạ (bắn), ngự (cưỡi ngựa), thư (học chữ), số (học tính).


[1] Ngẫu Ích Đại Sư trước tác, Linh Phong Tông Luận, quyển Thượng, tr. 401. Trích Lời khai thị cho sư Thanh Nguyên Dung xà lê (清 源 容), đệ tử của đại sư Chuyên Ngu.

[1] Yến tước xử đường (鷰 雀 處 堂): Khổng Tử Gia Ngữ nói: chim én, chim sẻ ở trên mái nhà, mẹ mớm cho con ăn mà không biết nhà sắp cháy. Thành ngữ này ý nói, tai hoạ sắp đến mà vẫn nhởn nhơ không biết gì cả.

[1] Linh Phong Tông Luận, Sđd., quyển Trung, tr. 591.