Post: : Admin

Phỏng vấn Thượng tọa Thiện Minh (giáo sư tiến sĩ) Viện chủ chùa Đại Phước, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại đất nước. (Chùa Tháp xinh đẹp - Myanmar) trước khi Ngài cùng phái đoàn Chư Tôn Hòa Thượng Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni sang tham dự lễ Xả, Kiết Giới Sīma và Động thổ chính thức khởi công xây dựng chùa. 



Đại đức Thích Thiện Minh

1. Hỏi: Được biết ĐĐ đang vô cùng bận rộn chuẩn bị cho công tác phật sự tại Myanmar trong vài ngày tới; ĐĐ có thể chia sẻ một chút về tiến độ chuẩn bị cho lễ Xả, Kiết Giới Sīma và Động thổ cho bạn đọc quan tâm và bà con phật tử nắm bắt không ạ?


Đáp: Các công tác chuẩn bị vẫn đang theo đúng tiến độ và theo đúng kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, ở những ngày này một số việc đang được tiến hành gấp rút hơn một phần cũng là để đảm bảo cho khung chương trình chính thức vào 21:00 tối mai (29/4) được hoàn chỉnh cũng như việc tiếp đón các phái đoàn Việt Nam tham dự được chu đáo nhất. Nói chung mọi sắp xếp coi như đã ổn định.

2. Hỏi: Xin ĐĐ cho biết về thành phần tham dự buổi lễ chính thức vào 21:00 tối mai?

Đáp:

- Về phía lãnh đạo tôn giáo Myanmar có sự hiện diện và chứng minh của các Ngài Tam Tạng 7, Ngài Tam Tạng 8, Ngài Tam Tạng 9, Ngài Tam Tạng 10, Ngài Tam Tạng 11và các Ngài Tăng Trưởng quận. Cộng đồng Phật giáo Myanmar có sự tham dự của khoảng 100 vị Nhất tạng, Nhị tạng, và Tỷ Khưu.

- Về phía lãnh đạo tôn giáo Việt Nam có sự tham dự và chứng minh của HT.GS.TS. Thích Thiện Tâm – Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban PG Quốc Tế;TT.GS.TS Bửu Chánh – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Trị sự PG tỉnh Đồng Nai; ĐĐ.GS.TS. Thiện Minh – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Từ thiện TW. Cộng đồng Phật giáo Việt Nam có sự tham dự của khoảng 20 Tăng Ni và hơn 300 phật tử.

- Về phía chánh quyền có dự tham dự của Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar – Phạm Thanh Dũng cùng các cộng sự.

- Về phía truyền thông có Đài truyền hình quốc gia Myanmar và các phóng viên của các tạp chí Myanmar và Việt Nam cũng đến ghi hình và đưa tin.

Ông Phạm Thanh Dũng tổng Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar Đại Sứ Quán Việt Nam tại Myanmar, đón tiếp Ngài HT. Thích Thiện Tâm



3. Hỏi: Xin ĐĐ cho biết về ý kiến của Ban Tôn Giáo chính phủ về buổi lễ này?

Đáp: Tất cả mọi hoạt động của chùa Đại Phước đều được trình bày và xin ý kiến đồng thuận của GHPGVN. Việc phái đoàn Chư Tôn Hòa Thượng Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni Việt Nam do HT. Thiện Tâm làm trưởng đoànsang Myanmar dự lễ lần này có kèm theo công văn của Ban TG chính phủ số 275-TGCP-HTQT ký ngày 30 tháng 3 năm 2016: cho phép HT. Thiện Tâm, TT. Bửu Chánh, ĐĐ. Thiện Minh được hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, cụ thể là tổ chức và tham dự lễ Xả, Kiết Giới Sīma và Động thổ xây dựng chùa Đại Phước ở Myanmar. Nói chung, mọi hoạt động diễn ra đều hợp pháp.

4. Hỏi: Xin ĐĐ cho biết cơ duyên nào khiến Ngài nghĩ đến việc xây dựng một ngôi chùa Việt ở đất nước chùa Tháp?

Đáp: Mọi chuyện diễn ra đều do nhân duyên. Thuận duyên này được kết nối từ thuận duyên kia, cứ như vậy mà xảy ra theo qui luật trổ quả từ những nhân lành đã được gieo trước đó. Đúng ra là sư cũng khá có duyên trong việc tạo lập chùa. Từ quá trình tiếp nhận, tu bổ, và quản lý một số cơ sở hoạt động tôn giáo trong nước cho đến năm 2009 sư cùng TT. Tường Quang phối hợp xây dựng lên chùa Đại Lộc, Ấn Độ. Việc xây chùa Đại Lộc diễn ra thuận lợi, chùa được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động năm 2013. Sau cái đà phát triển này, khi sư Thiện Ngọc, học trò của sư đang tu học tại Myanmar đề đạt nguyện vọng xây dựng một ngôi chùa Việt tại đất nước Chùa Tháp, sư đã vô cùng hoan hỷ và quyết tâm cùng sư Thiện Ngọc thực hiện nguyện vọng đó.

5. Hỏi:Được biết việc tạo lập một ngôi chùa ở trong nước đã vô cùng khó, huống hồ là ở nước ngoài; xin ĐĐ cho biết nhờ sự hỗ trợ nào mà mọi việc đến giờ phút này có thể thấy rõ là quá nhanh và có quá nhiều thuận lợi?

Đáp: Đúng là việc xây dựng một ngôi chùa Việt ở Nước ngoài rất khó. Đầu tiên phải kể đến việc đứng tên mua đất. Luật pháp của Myanmar không cho phép người mang quốc tịch nước ngoài được đứng tên sở hữu đất. Cho nên mọi thuận duyên này sư cho rằng đúng là cũng phải nhờ vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

- Động cơ xây dựng là đúng đắn: là ngôi chùa Việt nhằm giúp cho các tăng sinh Việt Nam có nơi lưu trú khi qua Myanmar tu học; là trung tâm hành hương cho phật tử Việt Nam đang sinh sống tại Myanmar và các phái đoàn phật tử Việt Nam đến du lịch đất nước này;

- Được sự giúp đỡ về mặt pháp lý cũng như sự hỗ trợ về mọi điều kiện khác của Ngài Tam Tạng 7, Myanmar;

- Thành quả đạt được của chùa Đại Lộc, Ấn Độ cũng chính là động lực lớn cho sự tiếp tục chung sức của các nhà hảo tâm trong việc phát tâm cúng dường tịnh tài để xây chùa Đại Phước.

Do nhờ những sự hỗ trợ đó mà mọi việc đến giây phút này đang diễn ra rất nhanh chóng và thuận lợi.

6. Hỏi: Xin ĐĐ sơ lược cho quí độc giả biết một vài điểm mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thành thủ tục xây chùa?

Đáp:

- Ngày 10/7/2015: Sư Thiện Ngọc trình bày với sư về phát tâm xây dựng chùa Đại Phước;

- Ngày 15/8/2015: Ngài Tam Tạng 7 nhận lời bảo trợ, giúp đỡ;

- Ngày 24/9/2015: Đặt cọc mua 8000m2 đất;

- Ngày 28/9/2015: Ngài Tam Tạng 7 ký giấy quyết định gửi cho ĐĐ Thiện Minh và sư Thiện Ngọc về việc bảo trợ và ủng hộ về mọi mặt cho đến khi chùa hoàn tất và đủ điều kiện để chuyển lại cho GHPGVN sở hữu;

-  Ngày 29/9/2015: Ngài Tam Tạng 7 và chủ đất ra công chứng chuyển quyền sử dụng đất và trả tiền mua đất lần thứ 2;

- Ngày 18/1/2016: Chính thức khởi công xây dựng tường rào;

- Ngày 22/1/2016: Động thổ xây Chánh điện tạm;

- Ngày 6/2/2016: Lễ Nhập tự và An vị Phật, có sự chứng minh của Ngài Tam Tạng 7, Ngài Tăng trưởng quận, và Ngài Đại sứ Việt Nam tại Myanmar;

- Ngày 20/3/2016: Ngài Đại sứ Việt Nam tại Myanmartặng tượng Phật Thích Ca vàng 18k cho chùa;

- Ngày 7/4/2016: Cung nghinh 2 tượng Phật đồng do bà Trưởng lão Tu nữ Liên Nhu (Chùa Bửu Quang, Thủ Đức, Tp. HCM) cúng dường;

- Ngày 19/4/2016: Chùa Đại Phước chính thức có giấy công nhận sự tồn tại hợp danh và sư Thiện Ngọc chính thức được công nhận là Trụ trì chùa;

- Ngày 21/4/2016: Hoàn thành cổng chùa;

- Ngày 27, 28, 29/4/2016: Lễ Xả và Kiết Giới Sīma;

- Ngày 30/4/2016: Lễ động thổ chính thức xây dựng Đại Hùng Tam Bảo và 5 hạng mục trong khuôn viên chùa.

7. Hỏi: Xin ĐĐ phác họa chi tiết thêm một chút về kiến trúc chùa Đại Phước?

Đáp: Chùa có tổng diện tích đất xây dựng là 8000m2, có hình dạng chữ L. Kiến trúc chùa được thiết kế hài hòa mềm mại giữa những dấu ấn đặc trưng Việt và các đặc thùtheo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy của các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Từ ngoài vào bên phải cổng chùa là Tháp thờ Ngài Sivali theo mô hình chùa Một Cột Việt Nam. Bên trái cổng vào là Tháp thờ Ngài Upakut Katha theo mô hình Quốc Tử Giám Việt Nam. Trung tâm là chánh điện – Bảo tháp chính 2 tầng với tổng diện tích là 25 x 35, tầng dưới Chánh điện là Thiền Đường, phía sau của tầng trên có Bảo tháp phụ cao 7 tầng thờ 7 hình tướng khác nhau của Đức Phật theo các thứ trong một tuần (theo truyền thống Myanmar và Thailand, người nào sinh vào thứ nào trong tuần thì sẽ thờ Đức Phật theo hình tướng đó). Chánh điện được bao quanh bởi Tăng xá, Trai đường, Khách đường thiết kế theo 3 dãy hình chữ U. Góc chữ L dành riêng cho khu vực bếp. Các hoa văn, họa tiết sử dụng đều là hình hoa Sen và chim Hạc theo mô phỏng của hoa văn họa tiết trên mặt Trống Đồng. Mái chánh điện xây dựng theo kiến trúc Cổ Lầu, mang đậm văn hóa mái chùa cổ Việt Nam.

Ngoài ra, việc chọn Bảo tháp phụ có 7 tầng vì những lý do sau đây:

- tượng trưng cho THẤT Giác Tri – 7 giai đoạn giác ngộ, 7 tư thế khác nhau của Đức Phật theo truyền thống PGNT;

- tượng trưng cho con số triết học theo nền văn hóa cổ đại Ấn Độ;

- tượng trưng cho tước hiệu cao quí của chính phủ và GHPG Myanmar phong tặng cho Ngài Tam Tạng 7 (người bảo trợ pháp lý cho chùa Đại Phước).

7 tầng tháp xây dựng theo kiến trúc chùa tháp Việt Nam nhưng nóc của tháp phỏng theo mô hình tháp thiêng Myanmar – Shwedagon.

8. Hỏi: Xin ĐĐ cho biết tổng kinh phí dự kiến cho toàn bộ công trình; nguồn kinh phí đã vận động được; và nguồn kinh phí đó được hỗ trợ từ đâu?

Đáp:Tổng kinh phí dự kiến cho cả việc mua đất và xây dựng mọi hạng mục của chùa là khoảng 15 tỷ đồng. Hiện tại Ban vận động đã nhận về được khoảng hơn 3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này có được là từ sự ủng hộ của tăng ni và đồng bào phật tử trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn kinh phí vận động xã hội hóa.

Xin cảm ơn ĐĐ đã dành thì giờ cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Dẫu biết thời gian đang rất gấp rút, xin ĐĐ hoan hỷ chia sẻ thêm một vài lời với quí độc giả đang theo dõi bài phóng sự này.

Chùa Đại Phước đến giây phút này đã hoàn toàn sẵn sàng cho lễ Động thổ chính thức. Dẫu cho tiến trình chuẩn bị còn gặp phải một số khó khăn nhất định nhưng tất cả đều đã được giải quyết trọn vẹn.

Nhân đây, thay mặt Ban Tổ Chức sư xin cảm niệm công đức của chư Tăng, Ni và Phật tử đã ủng hộ tịnh tài cho việc xây chùa. Đặc biệt sư xin tán thán công đức của:

-
TT. TS. Tường Quang (Trụ trì chùa Đại Lộc, Ấn Độ);
-
Cô Nguyễn Thị Cúc, pháp danh Giác Bảo Hoa (Đại diện tập đoàn TBS);
-
Ông, bà Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thanh Thủy
-
Trưởng Lão Liên Nhu (Tu nữ Chùa Bửu Quang, Thủ Đức) đã có nhiều đóng

góp to lớn cho Phật sự trong thời gian qua.

Một lần nữa, nhân danh Viện chủ, trưởng Ban Vận Động xin tri ân tất cả mọi đóng góp cũng như các ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của toàn thể quí vị. Rất mong tiếp tục được đồng hành cùng quí vị trong thời gian tới. Nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo, Chư Thiên Hộ Pháp gia hộ cho quí vị được tròn vẹn Bốn Pháp Chúc Mừng của Đức Phật.

Nam Mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

Thực hiện: Quang Đức

-----------

Tin liên quan

>>Myanmar: Video chùa Đại Phước chuẩn bị Lễ kết giới Sìma

>>Myanmar: Lễ thỉnh tôn tượng Phật về Chùa Đại Phước