Post: : Admin

Hòa thượng Thích Chánh Liêm họ Nguyễn, húy Văn Trú (tức Triết), sinh năm Mậu Dần (1938), pháp danh Chơn An, pháp tự Chánh Liêm, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 40.



Tiểu sử Hòa thượng Thích Chánh Liêm (1938-2008)

Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Chánh Liêm (1938-2008)

Ngài xuất thân trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam bảo tại làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Diên Đình, thân mẫu là cụ bà Hoàng Thị Lịch, kế mẫu là cụ bà Phan Thị Lan. Ngài là người con thứ tư trong gia đình có 8 anh chị em. Thân mẫu mất sớm, Hòa thượng lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của thân phụ, kế mẫu và các anh chị.


Từ nhỏ, ngài đã sớm kết duyên lành với chốn thiền môn qua những đêm theo thân phụ và dân làng lên chùa lễ Phật tụng kinh, lớn lên lại có cơ duyên gần gũi với những bậc cao tăng thạc đức khi các ngài về đây vân du hóa đạo. Nhờ đó, tâm Bồ đề càng được tô bồi theo từng lời kinh tiếng kệ, chí xuất trần càng được hun đúc vững bền qua từng năm tháng.

Năm 21 tuổi (1958), Hòa thượng xin phép thân phụ, giã từ cuộc sống gia đình vào Thuận Hóa tầm sư học đạo. Cơ duyên hội ngộ, ngài gặp được Đại lão Hòa thượng Thích Phước Huệ, Tổ khai sơn tổ đình Hải Đức - Huế mở rộng cửa thiền, thâu làm đệ tử.

Với tư chất mẫn tiệp, bản tính nhu hòa, chỉ sau hai năm hành điệu, ngài được bổn sư thế độ trở thành một ứng pháp Sa di, với pháp danh Chơn An, pháp tự Chánh Liêm. Kể từ đó, ngài được bổn sư gửi về nội trú tại Phật học viện Báo Quốc, một trung tâm đào tạo tăng tài hàng đầu của đất Thuận Hóa để vừa theo học nội điển và ngoại điển, vừa sớm hôm được gần gũi với những bậc tông tượng của thiền môn.

Năm 1965, sau 5 năm miệt mài đèn sách, trau dồi đạo hạnh, chốn tổ Từ Hiếu khai Đại giới đàn Vạn Hạnh, do cố Đại lão Hòa thượng Thuyền Tôn Thích Giác Nhiên làm đàn đầu, được sự chuẩn y của Ban Giám viện và sự khích lệ của tông môn, ngài đã sắm đủ bình bát, ba y xin đề danh lên Tuyển Phật trường, đảnh lễ Thập sư cầu thọ cụ túc giới. Kể từ đây, giới thân tuệ mạng đã thấm nhuần châu thân, nẻo đạo huy hoàng đã sáng ngời phía trước.

Là một người con của quê hương Quảng Trị, ngài luôn ấp ủ trong lòng tâm nguyện sớm được trở lại quê nhà để phụng đạo lợi sinh. Thể theo tâm nguyện đó, vào năm 1967, tức chỉ sau hai năm thọ đại giới, ngài được Giáo hội cử về Quảng Trị đảm nhiệm chức vụ Đặc ủy thanh niên, kiêm nhiệm giảng dạy giáo lý tại Trường Bồ Đề, thị xã Quảng Trị.

Với bầu nhiệt huyết và lý tưởng phụng sự sáng ngời trong lòng một tăng sĩ trẻ, ngài đã hăm hở lên đường và trở thành một phụ tá đắc lực trong việc hướng dẫn các tầng lớp thanh niên Phật tử trên con đường phụng đạo ích đời, được các bậc tôn túc lãnh đạo Phật giáo bấy giờ rất mực thương mến.

Năm 1969, ngài được Ban Đại diện Phật giáo Quảng Trị bổ nhiệm trú trì chùa Tỉnh hội Phật học Quảng Trị.

Năm 1972, chiến tranh ác liệt lại xảy ra trên mảnh đất này, cũng như bao nhà dân tại thị xã Quảng Trị, chùa Tỉnh hội và Trường Bồ Đề đều bị đổ nát, ngài phải cùng bà con Phật tử đi sơ tán. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, theo chân Hòa thượng Chánh Trực, ngài lại quay về Quảng Trị “bám đất giữ làng”, dựng am tranh trên vùng đất còn rực lửa chiến tranh ở tạm, đợi ngày bà con Phật tử trở về.

Năm 1975, ngài được Giáo hội cử về trú trì chùa Châu Quang (Đông Hà). Và kể từ đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Chánh Trực, Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Trị, ngài đã tích cực tham gia Ban vận động tái thiết chùa Tỉnh hội Phật học Quảng Trị.

Năm 1981, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, ngài được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình-Trị-Thiên cử giữ chức vụ Phó Đại diện Phật giáo huyện Triệu Hải, phụ trách công tác Phật sự tại các vùng Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và thị xã Đông Hà.

Năm 1990, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị thành lập, ngài được cung cử giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị.

Năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, ngài được Đại hội tấn phong giáo phẩm Thượng tọa.

Năm 1996, sau khi Hòa thượng Thích Chánh Trực viên tịch, ngài được Trung ương Giáo hội cung cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự, và đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị kể từ năm 1996 đến cuối đời.

Năm 1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, ngài được Đại hội chính thức suy tôn lên hàng giáo phẩm Hòa thượng. Và cũng trong năm này, theo lời thỉnh nguyện của Tăng ni, Phật tử đồng hương Quảng Trị, Hòa thượng đã đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban tái thiết tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, một ngôi cổ tự đã ghi dấu sự hiện diện đầu tiên của Phật giáo trên quê hương Quảng Trị.

Hòa thượng còn là Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị trong suốt nhiều nhiệm kỳ.

Bên cạnh những trọng trách được Giáo hội giao phó, Hòa thượng còn luôn trăn trở đối với việc khai sáng tân sơn, kiến lập đạo tràng để có nơi tiếp dẫn đồ chúng, mở bày mối đạo nhân tâm:

Năm 1988, Hòa thượng sáng lập Hải Đức Sơn Tự tại phường Đông Lương, thị xã Đông Hà. Và vào năm 2004, ngài đã cho khởi công xây dựng “Vạn Phật Tháp”, một ngôi tháp bảy tầng thờ Phật trên một quả đồi gần đó, tạo nên một cảnh quan thiêng liêng, hài hòa giữa vùng núi đồi ở phía Tây Nam thị xã Đông Hà.

Từ năm 1990, ngài đã mua lại nương rẫy của một Phật tử tại làng Đại An để làm nơi canh tác, nhằm đảm bảo lương thực cho việc tiếp tăng độ chúng, và đã cho dựng tại đây một ngôi thảo am nhỏ thờ Phật. Ngôi thảo am này chính là tiền thân của chùa Đại An hiện nay, một ngôi phạm vũ uy nghi vừa được Hòa thượng cho khởi công xây dựng vào năm 2007, hiện tọa lạc trên đường Hùng Vương (nối dài), thuộc phường 5, thị xã Đông Hà. Chùa Đại An là tâm nguyện một đời của Hòa thượng. Ngôi chùa đã hoàn thành. Và Hòa thượng đã mỉm cười nhẹ gót ra đi.

“Hoằng pháp vi gia vụ” - cuộc đời Hòa thượng là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh và lý tưởng phụng sự. Từ Quảng Trị, ngài cất bước ra đi tầm sư học đạo, và cũng chính tại mảnh đất này, ngài đã trở về để thực hiện sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, và gắn bó chung thủy sắt son cho đến tận hơi thở cuối cùng.

Khi thấy tình hình sức khỏe đã giảm sút, biết ngày thuận thế vô thường còn không xa, ngài đã trở về chốn tổ tại tổ đình Hải Đức (Huế) ở lại gần một tháng, để hôm sớm được thân cận, lễ bái bên linh ảnh cố Hòa thượng bổn sư.

Hòa thượng còn về dâng hương đỉnh lễ chư Tổ tại tổ đình Báo Quốc, nơi ngài đã từng gắn bó trong suốt những năm tháng học đạo; đến tổ đình Từ Đàm dâng hương lễ bái cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, vị thạch trụ tùng lâm của đất Thuận Hóa mà ngài đã thọ ân giáo giáo dưỡng; lên chùa Lam Sơn hầu thăm Hòa thượng Thích Đức Phương, Trưởng Ban Trị sự và là vị thầy giảng dạy giáo lý trong những năm ngài còn theo học tại Trường Bồ Đề Hàm Long; vấn an Ni trưởng Cát Tường tại tịnh thất Hoàng Mai...

Và chỉ một hôm trước ngày viên tịch, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng Hòa thượng vẫn cùng các đệ tử trở về thăm quê hương tại làng Đạo Đầu, ân cần khuyến tấn bà con Phật tử, thắp hương trước mộ phần của song thân. Trước lúc viên tịch, ngài luôn dặn dò các đệ tử: “Sau khi thầy đi rồi, các con phải tôn kính và nương tựa vào các bậc tôn túc, anh em phải gắng bảo ban nhau để cùng tu tập”.

22 giờ ngày 11 tháng 11 năm Mậu Tý (tức nhằm ngày 7 tháng 12 năm 2008), sau khi đàm đạo cùng môn đồ và các Phật tử, Hòa thượng trở về thiền thất và đã an nhiên thu thần thị tịch, trụ thế 71 năm, với 44 hạ lạp.

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP THẾ, CHÂU QUANG TỰ TRÚ TRÌ, HÚY THƯỢNG CHƠN HẠ AN HIỆU CHÁNH LIÊM NGUYỄN CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
 
- HT Thích Huệ Trí, VP2 Trung ương GHPGVN phụng soạn.
- ĐĐ Thích Phước Triều, VP2 Trung ương GHPGVN cung cấp.
- Biên tập: TK Thích Đồng Bổn.