Post: : Admin

Mùa Hè năm đó từ bậc thang cấp đầu tiên của sân Chùa Long Sơn, Tỉnh Hội Nha Trang dẫn thẳng đến bậc thềm sân chùa Hải Đức, hoa phượng đỏ lót cả đường đi dài ngoằn ngoèo theo sườn núi, bóng cây mát rượi hai bên đường cũng ôm chầm lại như che hẳn những tia nắng gắt, oi bức của mùa Hè tháng năm nơi thành phố Nha Trang. Tôi cùng vài người bạn nữa sau giờ tan học là mon theo con đường đầy thảm đỏ hoa phượng này dẫn đến đồi Trại Thủy. 



Ngôi Chùa Hải Đức thành phố Nha Trang

Ngôi Chùa Hải Đức, nằm xa xa trên đồi Trại Thủy, một ngọn núi nhỏ nằm về hướng Tây của thành phố Nha Trang, rất êm đềm thanh thoát, mái ngói xưa tường vôi rêu phong phủ kín, và những tàng cây bách diệp, cùng nhiều loại cây khác đã ôm kín ngôi Chùa trông rất hùng vĩ và trang nghiêm, nhưng cũng không dấu nổi những tấm Y vàng và những bước chân của hàng thức giả, đầy thanh thoát trang nghiêm sau giờ quá đường Kinh Hành Niệm Phật của Mùa An Cư Kiết Giới năm ấy. Hình ảnh này đã in vào tâm khảm tôi không bao giờ phai nhạt. 

Hồi tưởng lại hơn 50 năm rồi mà hình ảnh của Chư Tôn ngày đó còn cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp thiền vị thanh thoát của tấm Y vàng giải thoát. Là người con của Phật tôi nghĩ không có một ai mà không nhớ ơn Tam Bảo quý báu trên thế gian. Riêng tôi Niệm Ân Tam Bảo, tức là nhớ ơn Tam Bảo, là một chuẩn mực đeo mang cả một đời người Tu Sĩ. Tôi đã từng nhắc với lòng rằng, nếu không có công đức tu tập của Đức Phật thì làm đệ tử như tôi, trong ngôi nhà Chánh Pháp của Ngài, bản thân không có mì gói để ăn, huống hồ nói chi đến việc làm Phật Sự to lớn. Kho tàng giáo Pháp và lời dạy của Ngài đã để lại quá vĩ đại, những bậc Thánh Tăng đã cộng hưởng đến nhân sinh trong nhiều thế kỷ qua, bây giờ mới đến hàng hậu học mờ tối như tôi chập chững trên bước đường hoằng hóa lợi sinh, mà tấm lòng không biết Niệm Ơn Tam Bảo là một điều không thể chấp nhận được. Nếu không có Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, thì mỗi mỗi Sứ giả Như Lai khó mà “kiến Pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, hàng phục chúng ma thiệu long thánh chúng” như bài Sám Quy Mạng mà chúng ta trì tụng vào thời kinh sáng. 

Cụ Bà Tâm Thái trong buổi lễ mừng Chu Niên 20 năm (1990-2010) Tu Viện Quảng Đức, bên cạnh là
TT TTK Thích Nhật Tân cùng 2 người con trai của Bà là TT Tâm Phương & TT Nguyên Tạng
Viết đến đây tôi nhớ đến Mẹ tôi, Cụ Bà Tâm Thái, hiện đã 84 tuổi, đang tĩnh dưỡng ở thành phố Nha Trang, cứ mỗi lần tôi về thăm Mẹ, bà thường dặn tôi, hãy luôn tưởng nhớ Phật và tin tưởng vào Tam Bảo, ba ngôi quý báu nhất của đời Mẹ. Mẹ tôi tin tưởng và thâm tín chư Phật trong suốt cuộc đời của bà. Bà tin Phật một cách tuyệt đối: Con Niệm Phật để lòng nhớ mãi. Hình bóng Ngài cứu khổ chúng sanh, để theo Ngài trên bước đường lành, Chúng con khổ nguyện xin cứu khổ, Chúng con khổ nguyện xin tự độ. Ngoài tham lam sân hận ngập trời, phá si mê trí huệ tuyệt vời. Con nhớ Đức Di Đà Lạc Quốc... Đó là những lời sám nguyện mà Mẹ tôi trì tụng mỗi ngày 3 lần, bà không chỉ tụng suông mà còn hành trì và áp dụng từng lời kinh Phật dạy trong đời sống hằng ngày của mình. Mẹ tôi, một bà Mẹ quê ít học, lam lũ với ruộng vườn, có một cuộc đời bình dị đơn sơ, nhưng Mẹ tôi được cả làng Thái Thông mến yêu và kính quý. Điều này đã làm cho những người con của Mẹ vui mừng và hãnh diện trong lòng. Nhà tôi chỉ đủ ăn no, mặc ấm, cả họ Võ và Ngô, bên Nội và Ngoại tôi cũng đều như vậy. Chuẩn mực đạo đức sống làm người chơn chất đạm bạc. Như “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Và nhất là Mẹ tôi thường đem những tấm gương sáng có phẩm hạnh, đạo đức tốt của những bậc trưởng thượng trong làng để dạy cho những người con của Mẹ học theo, rồi bà cũng chỉ cho thấy những người cho vay cắt cổ, hay lấy tiền lúa non của người nghèo, hà khắc, lường công, hay làm giàu trên sự gian lao, khổ cực của những người ăn kẻ ở trong nhà, nhưng sau này con cháu không có cơm ăn, bà nói đó là nhân quả, là quả báo hiện tiền. 

Tu theo giáo lý của Phật mà không tin nhân quả, thì chúng ta đã đi ngược lại Giáo Lý của Ngài rồi, Mẹ Tâm Thái thường lấy bài kệ nhân quả để nhắc nhở các con: “Rằng ai muốn biết nhân xưa, Xét xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây, Muốn biết quả báo sau này, Xét điều tội phước ta nay đang làm”. “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.” Mùa An Cư Tịnh Giới năm nay Tu Viện Quảng Đức đã thiếu bóng Y vàng của HT cựu Hội Chủ thượng Như hạ Huệ, Người mà chưa bao giờ vắng mặt trong những mùa An Cư trước đây. 

Ngài như đầu tàu dẫn đường cho hàng hậu học như tôi, nhưng từ đây Quảng Đức vắng bóng Ngài, vắng bóng một Thiền Gia Thạch Trụ của chốn Già Lam. Trăng Lăng Già đã khuất bóng nhưng âm vang Sư Tử Hống của Ngài vẫn còn qua những lời Chú Phổ Am, lời xướng kệ Khai Chung Bảng, lời Khai Thị… Ngài về Tây Phương Phật Soi đường Bát Nhã tâm Hậu Lai nguyền thệ giữ Hưng long Phật Pháp trụ. Quảng Đức Trường Hạ đã đi vào 3 ngày rồi, hình bóng của hơn 50 tấm Y vàng thanh thoát an lạc từng bước chân, từng hơi thở để tuyên dương mạng mạch giáo pháp Phật đà làm lợi lạc nhơn thiên ba cõi. Nhớ thâm ân con nguyện tu tinh tấn Để đáp đền ân dưỡng dục song thân Ơn Thầy Tổ thật to lớn vô ngần Hằng giác ngộ mới đền trong muôn một. Nam Mô A Di Đà Phật.


Viết tại Trường Hạ Quảng Đức 2016

Thích Tâm Phương