Post: : Admin

Người tu hành từ bỏ thân bằng quyến thuộc để không bị vướng bận, tìm nơi an tịnh tu hành. Vậy tại sao phải tự trút khổ vào thân để mở những trại mồ côi. Để người đời ỷ lại rằng có trung tâm nuôi rồi nên không phải lo. Giúp họ nuôi con là tạo điều kiện để họ tung hoành tạo thêm nghiệp hay sao



HỎI: Tôi học Phật pháp, thầy giáo thọ đặt cho tôi nhiều câu hỏi quá khó, với khả năng hạn chế của bản thân nên tôi không thể trả lời được, vậy mong quý Báo chỉ giúp tôi: 
Người tu hành nuôi trẻ mồ côi để người đời ỷ lại chăng?
1. Đạo Phật chủ trương diệt tham sân si. Tăng Ni và Phật tử đòi tu hành tinh tấn để qua thẳng Cực lạc đó là đại tham chứ không phải tham bình thường. Vậy làm sao diệt được tham? 

2. Người tu hành từ bỏ thân bằng quyến thuộc để không bị vướng bận, tìm nơi an tịnh tu hành. Vậy tại sao phải tự trút khổ vào thân để mở những trại mồ côi. Để người đời ỷ lại rằng có trung tâm nuôi rồi nên không phải lo. Giúp họ nuôi con là tạo điều kiện để họ tung hoành tạo thêm nghiệp hay sao? 

3. Đạo Phật khuyến khích ăn chay. Trong khi mọi sự vật hiện tượng đều có tính chất hai mặt của nó, không nên làm mất quân bình. Giả sử cả thế giới đều ăn chay thì nhân loại và trái đất này sẽ ra sao?
(THÍCH NỮ DUNG THIỀN,
thichnudungthien@gmail.com)


ĐÁP: Sư cô Thích nữ Dung Thiền thân mến!

Môi trường học đường giáo dục Phật giáo dĩ nhiên đòi hỏi tích lũy kiến thức, tư duy, thảo luận, phản biện v.v... Nhất là luận lý và tư duy phản biện để tìm ra chân lý là môn học phát huy sáng tạo khá thú vị. Theo chúng tôi, ba câu hỏi trên khá khó cho người sơ học, có thể thầy giáo thọ có ý trau dồi tư duy phản biện cho sinh viên nên cả ba câu hỏi đều sai.

Câu 1, đạo Phật chủ trương diệt tham sân si là hoàn toàn đúng. Nhất là tham ái, cội nguồn của luân hồi sinh tử, dù cho ở phương cách hay mức độ thế nào, hễ còn tham là còn chướng ngại giải thoát. Nhưng khi đặt vấn đề ‘Tăng Ni và Phật tử đòi tu hành tinh tấn để qua thẳng Cực lạc đó là đại tham chứ không phải tham bình thường’ thì rất sai. Sai vì: Thứ nhất, lập trường tu tập của pháp môn Tịnh độ cần thoát sinh tử ở Ta-bà để về Cực lạc. Nương thắng duyên Cực lạc để tu tập cho đến chứng đắc Phật quả rồi trở lại Ta-bà cứu khổ chúng sinh. Mong muốn, ước ao sinh về Cực lạc là nguyện (tín-nguyện-hạnh) chứ không phải là tham. Thứ hai, bước đầu của sự tu tập rất cần những mong ước hướng thiện. Tham hay muốn loại bỏ điều ác, chướng ngại để thành tựu thiền định hoặc những thiện pháp là dục như ý túc. Đánh đồng dục tham và dục như ý túc thì thật không nên.

Câu 2, người tu hành cắt ái từ thân để tịnh tu là đúng. Nhưng sau khi tu tập tự độ, người tu phát thệ nguyện độ tha là hạnh nguyện cao cả, cần phải tán dương. Nuôi trẻ mồ côi là một trong nhiều hạnh vị tha mà xã hội phải chung tay thực hiện. Cho rằng, đó là việc ‘tự trút khổ vào thân’ thì không đúng. Bởi lẽ: Thứ nhất, nghĩ rằng người tu hạnh độ tha là khổ não sẽ rất chủ quan. Sao không nghĩ rằng người kia đang hạnh phúc vì được phụng sự? Mặt khác, mỗi chúng ta đều nợ cuộc đời rất nhiều, nên phải dấn thân giúp đời nhằm đền ơn đáp nghĩa mới đúng tinh thần ‘Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật’. Thứ hai, nghĩ rằng mình dấn thân giúp đời thì họ sẽ ‘ỷ lại và tạo thêm nghiệp’ thì rất ích kỷ và thiển cận. Giúp đời chính là giúp mình, cứu đời chính là cứu mình.

Câu 3, ăn chay hiện được các giới đánh giá cao vì có lợi nhiều mặt như sức khỏe, môi trường, nuôi dưỡng từ bi v.v… Nhân loại ngày nay vì ăn quá nhiều thịt cá nên tổn hại sức khỏe và môi trường rất nghiêm trọng. Đạo Phật chủ trương, vận động, khuyến khích mọi người ăn chay để phần nào tái lập sự cân bằng, cứu nguy cho thế giới. Nhưng chỉ hy vọng phần nào thôi vì loài người tập nghiệp sâu nặng không bỏ được việc ăn cá thịt. Nên đặt vấn đề ‘cả thế giới đều ăn chay thì nhân loại và trái đất này sẽ ra sao?’ là hoàn toàn sai. Cũng như có người từng hỏi ‘nếu mọi người đều đi tu hết thì xã hội sẽ ra sao?’. Không hề có những chuyện ấy trong thực tiễn nên không đáng để đặt ra.

Tóm lại, với ba câu hỏi liên quan đến Phật pháp nêu trên, nếu không vì mục tiêu tập cho sinh viên thực hành phản biện thì nhận thức và quan điểm của người ra câu hỏi có vấn đề. Hỏi hay thì mới đáp đúng được. Nói cách khác muốn hỏi đúng thì cũng phải học, học ‘hỏi’.

Chúc Sư cô tinh tấn!

Quảng Tánh