Post: : Admin

Nam nữ cư sĩ là những thành viên quan trọng của Giáo Hội. Theo truyền thống của đạo Phật, hàng cư sĩ Phật tử được hình thành từ rất sớm, được đức Thế Tôn gọi là Cận sự nam và Cận sự nữ, hay còn gọi là Chúng Ưu bà tắc và Chúng Ưu bà di, là những người nam, nữ Phật tử quy Tam Bảo. 



Trong bốn chúng đệ tử đồng tu của đức Phật, hai chúng Ưu bà tắc và Ưu bà di luôn giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ đạo pháp và phát huy, lưu truyền đạo pháp theo cả thời gian và không gian. 


Người cư sĩ Phật tử phải làm gì trong thời kỳ hội nhập

Người cư sĩ Phật tử phải làm gì trong thời kỳ hội nhập? Người Huynh Trưởng Áo Lam Gia đình Phật tử trong lúc này và mãi mãi thân giáo hộ trì Phật pháp

Theo quan niệm thông thường, những bậc Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, tức là hai chúng xuất gia, có phận sự hoằng dương chánh pháp. Hai chúng tại gia có nhiệm vụ hộ trì chánh pháp. Như vậy, theo quan niệm xưa thì xuất gia hay tại gia đều có vai trò và trách nhiệm bảo vệ, phát triển ngôi nhà chánh pháp.

Đối với đất nước Việt Nam, đạo Phật đã du nhập, đồng hành cùng dân tộc suốt 2000 năm. Trong chiều dài lịch sử đó, ta tự hào rằng Phật giáo đã sinh ra nhiều vị cư sĩ đức độ, tài ba lỗi lạc trong giới vua chúa, quan lại, kể cả những người thường dân mà họ là những người uyên thâm giáo điểm, lỗi lạc về văn học… Giới vua chúa tiêu biểu như Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Chúa Nguyễn Hoàng… Thời cận đại có những cư sĩ lỗi lạc như Trân Trọng Kim, Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Năng Quốc, Nguyễn Hữu Kha…(miền Bắc); Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng, Võ Đình Cường…(miền Trung); Mai Thọ Truyền, Phạm Ngọc Vinh, Trần Văn Khuê, Trần Nguyên Chấn …(miền Nam). Họ là những hạt nhân tạo dựng nên ba hội Phật học: Hội Phật Giáo Bắc kỳ (1934), Hội An Nam Phật học (miền Trung, 1932), Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (miền Nam, 1931), cùng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam để tiến đến thống nhất Phật giáo, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 tại ngôi chùa Từ Đàm lịch sử ở Huế.
Những kỳ pháp nạn của Phật giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, hoặc chống chiến tranh xâm lược Mỹ và đấu tranh đòi Dân chủ Lập hiến năm 1966 tại miền Nam…, hàng cư sĩ Phật tử đã hy sinh rất lớn cho nền độc lập dân tộc và tự do bình đẳng của tôn giáo. Cư sĩ Phật tử luôn là những thành viên trung kiên với giáo hội, phụng sự đạo pháp và phục vụ dân tộc. Năm 1981, kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam, GHPG VN được thành lập, người cư sĩ Phật tử đã tích cực tham gia các Ban, Ngành, Viện của giáo hội, kể cả vai trò xây dựng nhiều chùa chiền, tịnh xá, phát triển thêm nhiều đơn vị cơ sở của Giáo Hội tại vùng kinh tế mới, vùng sâu vùng xa. Và ngay cả việc tham gia giảng dạy tại các trường Phật học các cấp trong nước cũng không thiếu vai trò của người cư sĩ Phật tử.
Một điều không thể phủ nhận là từ xưa đến nay, giới cư sĩ Phật giáo cũng đã cống hiến công sức không nhỏ trong sự nghiệp phát huy, bảo tồn và xiển dương nền văn hóa và giáo dục của dân tộc Việt Nam, vì văn hóa giáo dục dân tộc Việt Nam và văn hóa giáo dục của Phật giáo VN đã hòa quyện, đồng hành hàng ngàn năm mà sử sách, thực tế đã chứng minh cụ thể.

Đề cập những cống hiến của người cư sĩ Phật tử để thấy rõ sự đóng góp to lớn của giới cư sĩ Phật giáo trong sự nghiệp bảo tồn, xây dựng đạo pháp và phục vụ dân tộc, cũng để phát huy vai trò, trọng trách của người Phật tử trong thời kỳ hội nhập của đất nước và giáo hội hiện tại. 


Nhận thức được vai trò quan trọng của người cư sĩ tại gia như thế, nên GHPGVN ngay từ khi mới thành lập, trong cơ cấu tổ chức đã có Ban Hướng Dẫn Phật tử để phụ trách công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành hàng cư sĩ phật tại gia. Trong nhiệm kì 2002 – 2007, năm 2004, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử, bảo tồn truyền thống đạo đức trong các gia đình theo đạo Phật, giữ gìn nề nếp kỉ cương của người Phật tử tại gia, và đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài trong tương lai, ban Hướng dẫn Phật tử Trung Ương đã đề ra chương trình Phật Hóa Gia Đình, qua 5 năm thực hiện, tuy chưa tuyên truyền phổ biến sâu rộng, nhưng bước đầu đã có kết quả khả quan. Mục đích của Phật hóa gia đình là hướng dẫn, khuyến khích, động viên tất cả các tín đồ Phật giáo phát tâm quy y Tam bảo. Trong mỗi gia đình, từ ông bà cha mẹ con cháu đều quy y và trở thành một gia đình thuần túy Phật giáo, giữ gìn năm giới, học tập giáo lý, ứng dụng lời dạy của đức Phật vào trong cuộc sống, trau dồi đạo đức cá nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ thuần phong mỹ tục, nề nếp văn hóa truyền thống gia đình Phật giáo, không để con cháu cải đạo vì bất cứ lí do nào. Hộ trì Tam bảo, góp phần chăm lo giúp đỡ cho người nghèo khó, bất hạnh, hướng đến xây dựng một xã hội ngày càng văn minh tiến bộ.


Để đáp ứng nhu cầu hội nhập phát triển, người cư sĩ Phật tử phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về đạo pháp, pháp luật, khoa học kỹ thuật … và nắm bắt những thông tin truyền thông hàng ngày trong cuộc sống. Có tri thức, có đạo đức, có văn hóa, đó là gốc rễ, là chìa khóa vạn năng để mở ra những thành công cho bản thân, gia đình và xã hội trên bước đường phụng sự nhân sinh và phục vụ đạo pháp. Là một công dân, chúng ta tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, và tự hào mình là một người Phật tử Việt Nam. Nên người Phật tử phải tích cực tham gia các công tác giữ gìn bảo vệ đất nước, làm những điều lợi đạo ích đời, xây dựng Phật hóa gia đình cũng là xây dựng Gia Đình Văn Hóa. Một người Phật tử chơn chánh sẽ là một công dân tốt của đất nước. Để xứng đáng là một tín đồ của đạo Phật trong thời hiện đại, điều quan trọng là tự thân mỗi người cư sĩ Phật tử nên nỗ lực tinh tấn tu học, cẩn thận với ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý, làm sao để trở thành một tấm gương cho con cháu noi theo, đó chính là sự hấp dẫn tự thân, là sự giáo dục, là bài thuyết pháp không lời mà con cháu đang cần và yêu cầu từ các bậc ông bà, cha mẹ, trong một xã hội đang xô bồ, tạp loạn hiện tại do có quá nhiều luồng văn hóa ngoại lai đang tràn vào đất nước ta. Người Phật tử từng bước thực hiện cuộc sống trên tinh thần theo chơn tinh thần của đạo Phật trong phong trào Phật Hóa Gia Đình mà Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đang nỗ lực vận động tuyên truyền, phổ biến. Đó cũng là trách nhiệm của người cư sĩ Phật tử hiện tại.


Viên Hạnh – Phan Bá Sĩ