Post: : Admin

Chỉ có một mùa xuân miên viễn, vượt thoát thời – không là mùa xuân của cõi lòng thường tại, khi đức Thế Tôn chứng đạo dưới cội bồ đề...



Trong sự vận hành của vũ trụ, môi trường đã ảnh hưởng lên sự sống của nhân sinh. Tiết trời cũng theo sự vận hành ấy mà có  Xuân - Hạ - Thu – Đông. 

Mùa xuân thường tại

Mùa xuân thường tại

Cây cỏ vạn vật cũng không ngoài định luật ấy mà sinh tồn và phát triển. Chỉ sau bao ngày lạnh giá của đông tàn, thì cây cỏ bắt đầu nẩy lộc đơm hoa kết trái, để báo hiệu xuân về. Từ đó, cái gì đang sinh sôi nẩy nở, đang phát triển thì người ta bắt đầu gán cho nó chữ xuân. Như tuổi trẻ thì gọi là tuổi xuân, mùa cây nở lộc đâm chồi để cho hoa kết trái thì gọi là mùa xuân, hái lộc đầu năm thì gọi là lộc xuân, đi chơi đầu năm thì gọi là du xuân. Nhưng xuân đến xuân đi đã bao lần, mà chẳng ai nắm bắt được mùa xuân trường cửu. Bởi đó là mùa xuân của vô thường sinh diệt, của thành - trụ - hoại - không. 

Ý thức được điều này, khi đang ở trong hoàng cung với vợ đẹp con yêu, lầu son gác tía, với ngôi vương giả canh cánh bên mình, nhưng chàng thanh niên Tất Đạt Đa vội thốt lên: 
“Em ơi! Cái hạnh phúc ấy không vĩnh viễn. Ta nghĩ đến một ngày chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mắt trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu! Và hai bàn tay đẹp đẽ thế này sẽ co quắp lại như những que củi khô! Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian. Tất cả những gì quý giá của đời người, ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, tiếng rần rộ của những cỗ xe đang theo nhau chở những của báu ấy đi! Ôi tức tối! Thế mà chỉ đứng nhìn sự tàn phá ấy, không thể cản ngăn! Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bất một làn hương!”
Nhà thơ Xuân Diệu cũng muốn bỏ hình, bắt bóng khi thốt lên: 
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
 
Nhưng khổ nỗi, hương cứ bay đi và gió mãi thổi để cho lòng sóng cuộn dáng xuân tàn:
 
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua, 
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già, 
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. 
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật, 
Không cho dài thời trẻ của nhân gian, 
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, 
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại. 
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, 
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời; 
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi, 
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt... 
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc, 
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi? 
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi, 
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”


Chỉ có một mùa xuân miên viễn, vượt thoát thời – không là mùa xuân của cõi lòng thường tại, khi đức Thế Tôn chứng đạo dưới cội bồ đề. Mùa xuân ấy không bị gió đông lạnh giá làm cho mờ phai; không bị nắng cháy thiêu của mùa hè rực lửa làm cho úa tàn, không bị gió vọng tình cuốn trôi theo dòng đời vô định. 

Nhận thức được thật tại này, Thiền sư Mãn Giác thời nhà Lý viết: 
 
Xuân đến trăm hoa nở
Xuân đi trăm hoa tàn
Trước mắt đời trôi chảy
Trên đầu tóc bạc rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai. 
 
Hoa xuân ấy là hiện tướng của chân như, của tâm thường tại, của chân lý bất biến mỗi khi dòng tâm sinh diệt đã đi vào bất diệt. 
Vì vậy cho nên, Thiền sư Thiền Lão trả lời chất vấn của vua Lý Thái Tông. 
-Lý Thái Tông: Bạch Hòa thượng, ngài ở đây bao lâu rồi?
-Thiền Lão trả lời: Chỉ biết giờ phút này. Hỏi gì chuyện đã qua!
-Lý Thái Tông: Hằng ngày ngài làm những công việc gì?
-Thiền Lão: Trúc biếc hoa vàng, đâu cảnh khác. Trăng trong, mây bạc hiện toàn chân.
Đó chính là mùa xuân của tâm thường tại, nên không bị thời gian và không gian chi phối. Trúc thì xanh biếc, hoa cúc thì vàng y như nó, chớ đem vọng tâm mà vẻ vời thêm. Đó chính là thực tại tuệ giác của người đã sạch hết sở hành, đã tĩnh giấc chiêm bao, hay tâm xuân của người chứng đạo.
 
Thích Minh Điền / Phật học đời sống