Post: : Admin

Lòng trắc ẩn - một nhánh sông của biển rộng Từ bi, một bóng dáng của tâm Phật trong tâm hồn của con người. Lòng trắc ẩn như một tấm gương thể hiện nếp sống, cá tính trong phạm trù đạo đức. 




Bạn sẽ rướm nước mắt động lòng thương cảm khi xem một bộ phim cảm động, hay chạnh lòng khi nghe tiếng khóc ré của trẻ thơ hàng xóm đói đòi sữa mẹ, xót xa khi thấy cảnh cụ già chắt chiu bán từng gói xôi giữa trời nắng chang chang. Động lòng từ ngoại cảnh dẫn dắt tâm ta đến hành động từ thiện. Thấy cảnh người đàn ông tặng hoa mừng sinh nhật cho bà lão cô đơn co ro bên vỉa hè tuyết rơi lạnh cóng, cảnh em bé trao tô mì cho ông lão ăn xin vệ đường…, hỏi sao không động lòng?

 

Lòng trắc ẩn là một dạng cảm xúc được hình thành trong quá trình cuộc sống đã qua và được giữ gìn huân tập. Nó bao gồm hai giai đoạn: ý định và hành động. Ý định là giai đoạn khởi đầu nhắc nhở mình mở lòng với người khác, còn hành động là giai đoạn tiếp theo thực hiện ý định đó.


Chúng ta, những người con Phật, thừa hiểu về tinh thần bố thí, nhất là vô úy thí thì thể hiện lòng trắc ẩn đôi khi cũng phải soi rọi lại chính bản thân mình. Sự chia sớt bất hạnh không từ vụ lợi cá nhân, cho để mà nhận lại. Tôi đưa tiền cho bạn mua thuốc chữa bệnh không để bạn tôn sùng tôi là thần tượng, để được lời cám ơn hay nhận thêm số phiếu bình chọn “người tốt việc tốt” hay để “quảng cáo thương hiệu” của tôi. Chẳng có gì cả, tự nhiên vậy thôi, vì chúng ta là con người, cùng hít thở không khí từ bầu trời này.

Và, cũng có thể có những kẻ lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác? Gặp trường hợp này khó tránh khỏi tâm phẫn nộ, sân hận phiền trược, hoặc không thân thiện đến mức ơ hờ với mọi biến động của cuộc sống chung quanh như thể “ai gắp lửa bỏ vào tay mình” kham nhẫn khó lòng.

Tỏ bày lòng trắc ẩn trong cuộc sống này có thể song hành với sự nghi kỵ, chấp chặt nên có quyền truy vấn, với tấm lòng rộng mở để thấy được sự tuôn trào vô chấp, chẳng cần sự đối đãi sòng phẳng mà sự trần trụi của đời phàm tục hằng hay đổi trao. Đức Phật nói: “Hãy đến để mà thấy” chớ không phải đến để mà tin. Tranh thiền vẽ thiền sư chỉ ngón tay về hướng mặt trăng thì suy nghiệm lại thấy rằng cớ sao lại cứ bám ngón tay mà bảo rằng đó là mục đích của mình.

Đến với lòng trắc ẩn cần có chánh niệm - tiếp nhận quán sát, suy nghĩ phân tích, thực hành (Văn-Tư-Tu) - không bừa bãi. Chúng ta không bám chặt vào một việc làm tốt cho người mà mong cầu báo đáp và cũng không vung vít mà thể hiện. Đức Dalai Lama đã nói: “Yêu thương và lòng trắc ẩn là những thứ thiết yếu, không phải xa hoa. Không có yêu thương và lòng trắc ẩn, nhân loại không thể tồn tại” và “ Hạnh phúc không phải là điều tự nhiên mà có. Nó đến từ những hành động của chính bạn”. Chung quanh chúng ta có nhiều nghịch cảnh cần nhận biết phân biệt. Chúng ta hiện hữu giữa đời với thân trần mắt thịt làm sao không thương phận kẻ lang thang không nhà, giận kẻ có tiền ăn chơi trác táng.

Trong tổ chức Gia đình Phật tử cũng đề cập vấn đề này trong châm ngôn ngay từ bậc Oanh vũ (ngành Đồng): “Mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống… Em thương người và vật”. Để các em trở thành một người tốt, có ích cho xã hội, các anh chị huynh trưởng phải dạy cho các em về lòng trắc ẩn từ những điều nhỏ nhất như nhường ghế cho người tàn tật trên chuyến xe buýt, dắt người già băng qua đường hay nhịn bớt tiền ăn sáng góp cho bạn nghèo may một áo mới…, đó là sự cảm thông, giúp đỡ người khác. Đây là một lối sống đẹp khi chung quanh nhiều hình ảnh giữa xã hội trông qua rất vô cảm vị kỷ đến lạnh lùng. Nhưng, nói thì dễ. Các huynh trưởng đã thể hiện sự tốt bụng ấy như thế nào để các em nhìn đó noi theo? Hô hào khẩu hiệu sống trong lục hòa mà không thông cảm những người chung quanh nhằm tránh đi những chuyện nhỏ nhặt đem quan trọng hóa. 

Lòng trắc ẩn ở đây không phải chúng ta làm được gì mà vấn đề là chúng ta có làm hay không. Những việc thiện của ta dù là nhỏ bé nhưng vẫn là to tát với người khác và cũng đừng lấy chữ Nghiệp ra mà gán ghép số phận cho một người nào đó đang cưu mang gánh chịu. Nói rộng ra một chút, chính sự thờ ơ vô cảm là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất hạnh của cuộc sống.

Là huynh trưởng, hãy thương yêu các em, hiểu các em một cách thực sự là phương thuốc giúp các em thêm tinh tấn vững bền trong sáng như mục đích của tổ chức Gia đình Phật tử đã đề ra. Ít nhất, cũng đã giáo dục các em nhận thức rằng cuộc đời bao giờ cũng có nhiều điều tốt đẹp hơn là nhìn thấy vào thực tại.

Thục Đ

(Giác ngộ)