Post: : Admin

Kính thưa Thầy! Con có tính nóng nảy từ lúc nhỏ và chỉ dám nổi nóng với người thân trong nhà và với những người yếu thế hơn con; khi nổi nóng là con la hét, dằn mâm xán chén rầm rầm và ăn nói khó nghe; còn với người ngoài con lại hay cười ai nói gì cũng cười.



Đặc biệt là với những người lạ và là người giỏi, có địa vị, có tài sản, có bề ngoài con không dám hó hé gì dù là một lời và có xu hướng che dấu tự ti, mặc cảm bằng thái độ có khi là rụt rè, nhút nhát, hầm hầm và có khi lại là thái độ bài xích, coi khinh họ. Với người yếu thế, con ăn nói rất mạnh dạn nhưng chỉ cần trong nhóm yếu thế đó xuất hiện ít nhất một người giỏi là con lập tức bị đóng băng và trở nên nhút nhát, ngại ngùng.

Tâm tính này khiến con bị cản trở trong nhiều tình huống xã hội như phát biểu ý kiến trước 1 nhóm hay 1 đám đông, con nhớ hồi đi học có lần bị gọi đứng dậy và mặc dầu biết câu trả lời nhưng con như bị đóng băng toàn thân, não và quai hàm cứng lại, lồng ngực nóng ran, tim đau nhói, đầu nhức bưng bưng và con không thể nói 1 lời, cô vẫn để con đứng đến khi trả lời mới được ngồi vậy mà con đứng như thế gần 10ph mà vẫn không nói được lời nào. Điều này khiến con rất vật vã với những môn học đòi hỏi phải thuyết trình, hay những môn đòi hỏi phải thảo luận thì con vắng mặt vì không chịu nổi tình huống đó. Khi đi làm, điều này càng khiến con trở ngại và bế tắc khi trước những buổi họp, báo cáo hay phỏng vấn, từ lúc nhận thông báo cho đến lúc họp thì cái trạng thái đóng băng đó lại xuất hiện và con không thể tập trung chuẩn bị. Tình trạng này còn xuất hiện khi con phải sử dụng điện thoại trước mặt người khác, con chỉ có thể nói chuyện được khi con đi ra ngoài 1 mình con hoặc là khi trong phòng không có ai; hay khi gọi cho người lạ có khi con không nói được tiếng nào. Ngay cả khi biết đến Đạo, đáng lẽ ra con nên thân cận với bậc thiện tri thức để học hỏi và xin giúp đỡ thì tình trạng đóng băng trên lại chiếm lĩnh và con thấy mình rất thấp kém nên không dám tiếp cận. Chính điều này khiến cho cuộc sống của con rất khó khăn.

Hiện tại tâm trạng của con rất là nặng nề, lừ đừ, bất an, náo động, người lúc nào cũng mệt mỏi và nóng ran, đầu óc con cứng đờ và chậm chạp, khó giao tiếp, tự cô lập và ngày càng sân hận. Buổi tối con rất khó ngủ, hôm nào cũng ngủ trong căng thẳng, vật vã và mộng mị.
Xin Thầy cho con lời khuyên, con thấy bế tắc quá Thầy ơi!

Làm thế nào để đối trị nóng nảy?


Trả lời:

Chuyển hoá là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Trong quá trình này thấy biết đúng sự thật là chính, còn điều chỉnh hành vi thì tuỳ duyên đối trị. Con đã thấy ra được sai lầm của mình là tốt, tiếp tục quan sát thái độ và trạng thái thân tâm con cho thật rõ là được. Còn tuỳ duyên đối trị thì tự con phải khám phá ra cách ứng xử trong thực tế giao tiếp của con với các đối tượng khác nhau. Đối trị tức ứng xử với một thái độ ngược lại những thói xấu. Thí dụ, thói sân đối trị với thái độ hiền hoà, êm dịu. Sợ hãi hoặc e ngại đối trị bằng thái độ trầm tĩnh, tự tin hoặc can đảm v.v... Đối trị là tương đối và uyển chuyển tuỳ hoàn cảnh, thấy ra sự thật mới là điều trọng yếu.


Thích Nguyên Minh