Post: : Admin

Chúng ta nên sớm chỉnh lại gương chiếu hậu để lần sau không còn nhìn thấy lập lại gương mặt giống hệt như gương mặt ta hôm nay nữa.



Gương chiếu hậu

Đại Lễ Vu Lan hôm đó tôi kẹt phải làm tăng ca nên về muộn, vội vã đến chùa Bửu Hưng ở đầu đường Phan Đình Phùng Thành phố Biên Hòa. Lúc đó vào khoảng 4giờ 30 chiều, ánh tà dương từ từ lui dần ánh sáng, bầu trời mây kéo phủ kín tạo cảnh mưa ngâu gió thu se lạnh. Chùa đã tan lễ, vãng khách, các Tăng Ni và Bổn đạo đang thu xếp đồ đạc dùng trong mấy ngày lễ để nghỉ sớm. cảnh chùa lúc đó quá êm tịch, các đàn chim, cò cùng đang tung cánh hối hả lướt mưa bay về tổ ấm, qua một ngày vất vả kiếm ăn.

Trong chùa các Thầy đánh đại Hồng Chung công phu chiều, âm thanh dội vang vang tạo cảnh thanh tịnh an lạc.
Tôi vào chánh điện thắp nhang lễ Phật, lòng tôi cảm thấy hớn hở vui vui như mình mới làm được phần nhỏ chữ Hiếu với Cha Mẹ. tôi bước ra cửa Chùa, trước sân nhìn thấy tượng Phật Di Lặc đang cười, lòng tôi cảm thấy phấn khởi yêu đời và đang mộng mơ hạnh phúc mai sau… bỗng nhiên tôi khựng lại ý nghĩ vẫn vơ ấy vì tôi nhìn thấy một cụ già, khoảng 80 tuổi. ăn mặc và vá nhiều chỗ buồn tủi đang ngồi trên băng đá sau kế bên như bất động, vẽ mặt buồn trầm ngâm hướng ánh mắt nhìn về xa xăm và hình như tâm cụ đang suy nghĩ mông lung gì về đời hay Cụ đang giữ yên lặng để nghe tiếng chuông chùa đang dội âm vang xa ngoài không gian.
Các bạn ơi ! các bạn đã có lần nào nhìn thấy hình ảnh nào chưa?  nếu có thì tâm trí các bạn sẽ nghĩ gì, chắc có vài bạn cũng có những suy nghĩ vu vơ về mai sau.  về cụ già cao tuổi này mà mai sau có thể là mình? Còn đa số các bạn chưa kịp nghĩ vậy đâu ! bản thân chúng ta đều đang vất vã bận rộn với cuộc sống, công việc cứ chạy như một guồng máy liên lục, cuốn chúng ta chạy theo mãi.

Thời gian sẽ bỏ lại sau lưng, chúng ta không đủ thì giờ để tâm trí suy niệm xe đời của chúng ta mai sau như thế nào ? rồi tuổi già ập đến ta, da nhăn, mắt mờ, tai lãng, lưng còm, tay chân run rẩy, đi đứng chập chửng, trí tuệ giảm suy, ăn nói lẫm cẩm, bản năng chậm chạp thì lúc đó các con của chúng ta cũng nối tiếp bận rộn công việc, không có thời gian y như chúng ta hôm nay vậy, và cũng chẳng có đứa con nào cận kề bên ta, thì lúc đó tâm trí ta nghĩ thế nào?


Mọi người trong chúng ta ai cũng thuộc lòng chữ Hiếu, nhưng chữ Hiếu quá là trừu tượng. không ai biết nó to, nó bé, vuông tròn như thế nào ? mà thiết thực cụ thể là chính trước mắt chúng ta. Cha Mẹ đang sống ra sao? Mà đích thân chúng ta đã chăm sóc nuôi dưỡng Cha Mẹ như thế nào rồi? hay chúng ta xem Cha Mẹ già như gánh nặng, có lúc còn nói những câu vô trách nhiệm. vì bận việc quá nên không có thời gian, hoặc đùn đẩy cho em này chị kia….


Dân Á - Đông nói chung, việt Nam nói riêng, ngàn năm đã giữ và duy trì tục lệ Vu Lan hằng năm là để đánh thức và nhắc nhở chúng ta nhớ đến trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng và công sanh thành dưỡng dục mà đền đáp công ơn Cha Mẹ:
Công Cha nghĩa Mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đền đáp nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao 
Sanh thành dưỡng dục dạt dào sắc son
Công cha nghĩa mẹ hơn non
Thật ra chữ Hiếu lại còn lớn hơn

Chúng ta định chờ đến bao giờ mới đáp đền công ơn Cha Mẹ? hay chờ đến lễ Vu Lan, hay chờ đến khi nào làm ăn giàu có khá giả, quyền cao chức trọng rồi mới đền đáp công ơn Cha Mẹ? đời con người đều sống trong định luật Vô Thường, cuộc sống cũng như Bất thường mà để chờ đến lúc nào có cơ hội mới Báo Hiếu là quá sai….Chúng ta nên biết bất hiếu là trọng tội lớn nhất của đời người.


Báo Hiếu là việc rất đơn giản như:
1. Tuyệt đối không nên làm điêug gì sai trái pháp luật và gia đình để cha mẹ phải buồn phiền.
2. Sáng thăm, tối viếng và tìm lời an ủi Cha Mẹ lúc tuổi xế chiều.
3. Bát cơm, đĩa cá, miếng trầu, viên thuốc khi Cha Mẹ trái gió trở trời, bệnh tật v.v…
Báo hiếu đền nghĩa hoàng ân
Phụng dưỡng cha mẹ ân cần bên nhau
Khi già yếu khi ốm đau
Thuốc men cơm nước bên nhau quạt nồng
Vui vẽ kiên nhẫn hết lòng
Mong sao cha mẹ vui lòng mát tâm.
Còn nước còn tát tận tâm
Đạo làm con phải hết tâm tròn nghĩa

Vậy xem thử chúng ta dã làm được phần nào chưa?


Hay quan niệm để chờ lúc nào Cha Mẹ mất ta sẽ khóc thật nhiều, làm đám ma cho lớn, xây mộ cho thật to. Hay chờ đến lễ  Vu Lan để được gắn bông hồng trắng, đỏ mới gọi là Báo Hiếu sao?

Cha mẹ sống chẳng cho ăn

Đến khi chết mất làm văn tế ruồi

***
Cha mẹ sống chẳng chăm lo
đến khi chết mất xây to mã mồ
Chúng ta nên tập trung trí tuệ suy niệm kỹ lại công sanh thành, mang nặng đẻ đau, ẩm bồng, bú mớm, nhường cháo sữa, nhường chỗ khô cho con nằm, thức khuya dậy sớm chăm sóc, lắng nghe từng nhịp thở của con, nuôi dưỡng cho con lớn khôn, ăn học trưởng thành. Có khi nào than thở vì bận công việc nên không có thời gian lo cho con hoặc bỏ phế cho con đói lạnh đâu? tại sao ta lại than là bận việc không có thời gian đến với Cha Mẹ vậy:
Cha Mẹ nuôi con không giờ không giấc

Con nuôi Cha Mẹ sợ mất thì giờ.

Ngay bây giờ chúng ta phải suy nghĩ kỷ, kiểm điểm lại thân tâm của chính mình làm đúng chưa? Và ta phải làm gì để đền đáp công ơn Cha Mẹ để xây tạo một tấm gương trong sáng cho mai hậu cho con cháu ta soi và noi theo. Nếu chúng ta không làm lại kịp thì mai mốt đến lượt mình già yếu bệnh tật đau buồn thì con ta cũng viện lẽ bận việc không có thời gian để săn sóc cho ta nữa sao…?

Nếu mình Hiếu với Cha Mẹ
chắc con cũng Hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con Hiếu làm gì uổng công
Chúng ta nên sớm chỉnh lại gương chiếu hậu để lần sau không còn nhìn thấy lập lại gương mặt giống hệt như gương mặt ta hôm nay nữa.
Hiếu thuận sinh con Hiếu thuận
Bất hiếu nào con có khác chi
Xem thử trước thềm mưa xối nước
giọt sau, giọt trước chẳng sai gì !
Mong anh em chúng ta nên sớm tỉnh thức kẻo muộn mà luyến tiếc hối hận không kip.

Chúc anh em chúng ta sớm làm tốt chữ Hiếu Thảo


Hữu Trị