Post: : Admin

HỎI: Tôi được biết trong lục đạo có trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Nhưng một lần nghe pháp, một vị thầy nói là không có địa ngục, vậy địa ngục có thật không? Và, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày, điều này đúng không? Đức Phật có thực sự phù hộ không vì mọi việc đều do nghiệp của mình quyết định? Tôi cũng có nghe một vị thầy giảng việc xây chùa, đúc tượng Phật là vô ích, không nên thờ xá-lợi Phật, vậy có đúng không? Có phải việc làm phước của tôi là vô ích? Cuối cùng cho tôi hỏi, nên xem kinh điển nào? Vì có vị thầy cho rằng kinh Dược Sư, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng là ngụy tạo. Hiện tại tôi cũng rất hoang mang không biết đúng sai thế nào. Mong được quý Báo sẻ chia.



(NHẬT THUẦN, sk9a1r@gmail.com)
Địa ngục có thật không?
ĐÁP: Bạn Nhật Thuần thân mến!

Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam hiện nay là dung hội đầy đủ hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) và Phật giáo Phát triển (Bắc tông - Đại thừa). Từ Ấn Độ, đạo Phật truyền xuống phía Nam như các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, sử dụng Kinh tạng Pali, gọi là Phật giáo Nam tông. Từ Ấn Độ, đạo Phật truyền lên phía Bắc như các nước vùng Bắc Á, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, sử dụng Kinh tạng Sanskrit (chuyển ngữ thành Hán tạng), gọi là Phật giáo Bắc tông. Do đặc điểm lịch sử phát triển, tư tưởng bộ phái, sự tiếp biến văn hóa có khác nhau nên dẫn đến: Ngoài việc thống nhất về giáo điển căn bản, hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông có một số quan điểm khác nhau. Người học Phật cần hiểu điểm mấu chốt này khi tiếp nhận giáo pháp để tránh hoang mang, khó hiểu vì cùng một vấn đề mà đôi khi chư Tăng lại nói khác nhau.

Thứ nhất là vấn đề có địa ngục không? Dĩ nhiên là người phàm chúng ta không ai thấy được địa ngục, trừ Đức Phật và các bậc Thánh La-hán. Tuy nhiên, kinh điển Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận có địa ngục. Địa ngục là một trong sáu cảnh giới của lục đạo. Do đó, nói không có địa ngục là sai với kinh điển Phật giáo.

Thứ hai, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày hay có thân trung ấm và thường trải qua 49 ngày? Vấn đề này đã được chư Tăng bàn thảo từ hai ngàn năm trước và kéo dài đến ngày nay. Có thể tóm gọn, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày là quan điểm của Phật giáo Nam tông. Quan điểm của Phật giáo Bắc tông là sau khi chết nếu tạo nghiệp cực ác hay cực thiện thì đi đầu thai liền, còn người tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn thì thọ thân trung ấm, tối đa khoảng 49 ngày sẽ tái sinh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp nhân đã tạo.

Thứ ba, Đức Phật có phù hộ không? Đức Phật là Bậc Giác ngộ, Ngài có những phẩm tính đặc thù như Tam minh, Lục thông, Thập lực v.v…, tuy vậy Ngài tuyên bố không có quyền ban phúc hay giáng họa cho ai cả. Nhân quả luôn rõ ràng và công bằng. Mỗi người tự quyết cuộc đời của mình thông qua nghiệp mà mình tạo tác. Tu tập theo đạo Phật căn bản dựa trên nền tảng tự lực. Phật giáo Bắc tông tuy có nói đến tha lực nhưng tự lực vẫn là chính. Người đệ tử Phật không cầu xin Ngài ban cho mình điều này điều kia mà chỉ cầu Phật soi sáng, giúp mình tỉnh thức để học theo hạnh nguyện của Ngài mà chuyển hóa nghiệp của chính mình.

Thứ tư, việc xây chùa, đúc tượng Phật là vô ích, không nên thờ xá-lợi Phật có đúng không? Trong giáo pháp, có hai phương diện mà người sơ học cần nắm vững, đó là Tục đế và Chân đế, hiện tượng và bản thể, tương đối và tuyệt đối. Ở mỗi phương diện có lý luận, cách thức tiếp cận khác nhau. Về Tục đế, dĩ nhiên xây chùa, đúc tượng, thờ Phật là được phước vô lượng. Không ai có thể phủ nhận điều này. Trong Tục đế, nhân quả và tội phước thật rõ ràng. Nên việc làm phước của bạn lâu nay rất hữu ích, bạn đã gieo nhân lành thì chắc chắn gặt quả lành. Trong một số trường hợp, các thiền sư nói đến Chân đế, tuyệt đối thì cách thức thông thường là phủ định để phá chấp rốt ráo. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này là dùng để khai thị cho người đương cơ, không phải cho số đông, đại chúng.

Thứ năm, các kinh Dược Sư, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng là ngụy tạo? Theo các nhà nghiên cứu văn bản học, thời Phật không ghi chép kinh điển. Khoảng hơn ba trăm năm sau Phật Niết-bàn, Kinh tạng Pali (Phật giáo Nam tông) mới được ghi chép. Kinh điển Phật giáo Bắc tông được kiết tập muộn hơn. Trong đó, có những kinh không tìm được nguồn gốc Phạn bản (Sanskrit) hoặc có thêm vào các yếu tố văn hóa Trung Hoa (vì nhiều nguyên nhân). Người học Phật theo cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông đều căn cứ vào các dấu ấn Chánh pháp (Tam pháp ấn, Tứ pháp ấn) để xác lập tính chính thống và khả tín của kinh điển. Nếu bản kinh nào thiếu vắng các dấu ấn Chánh pháp thì có thể xem đó là ngụy tạo, không phải lời Phật dạy.

Chúc bạn tinh tấn!

Nhiên Như - Quảng Tánh