Post: : Admin

Từ ngày có nỗ lực diệt giặc dốt sau khi giành độc lập đến nay đã vượt qua thế kỷ, lâu. VN thuộc Pháp với trình độ dân trí thấp, học tập văn hóa và chuyên môn thuộc đặc quyền tầng lớp trên và người bình dân khó tiếp cận.



Chính sách giáo dục đại chúng phổ cập, trường học các cấp có ở mọi nơi, và ngày nay người ta nói đến tấm bằng THPT như sự thường thay vì lấm lét nhìn anh tú tài ngày trước bát phố! Về số lượng mà nói, giặc đốt đã lui từ lâu.

Nhà báo Nguyễn Thành Công thường trú tại Bạc Liêu

Nhà báo Nguyễn Thành Công thường trú tại Bạc Liêu

Theo ngôn ngữ ngày nay, chữ nghĩa là một tiêu chí đánh giá dân trí. Gần đây tôi có điều  kiện tiếp cận vấn đề này và vỡ ra nhiều điều thấm thía.

Ở một thị xã, lại phường trung tâm, không thể gọi hẻo lánh vậy mà người mù chữ đầy ra. Sao biết? Tôi phát sách báo cũ miễn phí và có bán một số văn hóa phẩm, hàng ngày giao tiếp với bà con. Khi cho không những ấn phẩm được gửi tử thành phố, có những sách báo mà chính tôi ngày trước cũng mơ có tiền mua đọc, nhưng nhiều người từ chối. Ban đầu không hiểu, khó nghĩ, nhưng rồi khi dì sáu bán cá trong chợ nhà lồng phường 1 bộc bạch: dì không biết chữ! Tôi vỡ ra: à! Ai thì tôi không tường, riêng dì tôi biết rõ không bao giờ nói dối. không biết chữ thì làm sao đọc? Quà không đúng chỗ, hèn chi.


Thừa nhận mù chữ là chuyện khó khăn với nhiều người. Vậy là những tỉ lệ phần trăm các chiến dịch xóa mù chữ, những số liệu phổ cập giáo dục, những báo cáo chi li để đạt chuẩn này nọ và lên thị xã hóa ra ..ảo? vì Dì Sáu chỉ là một trong không ít trường hợp tôi được biết về sự..không biết chữ.


Cô bán chuối cạnh dì lại khác chút. Mỗi lần tặng cho sách cô đỏ mặt từ chối. mấy lần cuối cùng “xác minh” cũng vỡ ra: cũng như Dì Sáu, cô ấy..không biết chữ!

Trong hẻm 1 khóm 5 nhà tôi, mỗi lần cho sách cũ cho tụi nhóc người dân tộc Khmer y như ..bình định nông thôn! Chúng yêu sách bánh trái và đọc lấy lệ, rồi đem sách về quăng tứ tung thấy xót lắm. Vậy mà hỏi ra tụi hắn đều hết cấp I, có đứa gần cuối cấp, đọc chữ lôm côm mệt nhọc nên nản. Đau.

Sách không phải hàng hóa dễ bán hay dễ cho. Có sách chuyên môn sâu không nhiều người hiểu, sách ngoại ngữ càng hiếm người đọc, chuyện đấy đã đành. Nhưng mù chữ thì..bó tay, không tặng họ sách gì được. Khi cầm quyển sách gía bìa cả trăm nghìn đồng tặng cách trân trọng lại bị từ chối, xót. Dân trí cao hay thấp? Có nhà văn hóa hoành tráng, công viên, trường học các cấp, sân khấu ngoài trời và… Nhưng người mù chữ nhiều thì cũng khó cho rằng dân trí cao.

Giặc dốt hãy còn?

Và tôi quảy ba lô chạy lòng vòng dưới nắng với quà tặng không được mặn mà.
Thua?


Bạc Liêu, 26/5/2017

Nguyễn Thành Công / Phật học đời sống