Post: : Admin

Chủ đề hội thảo: “Tổ Khánh Hoà và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam” không ngoài ý nghĩa ‘ôn cố tri tân



Bản thân người viết không chuyên nghiên cứu về mảng lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhưng rất quan tâm đến phương diện phát triển Phật pháp trong xã hội Việt Nam. Vì tôi cho rằng, trong tương lai Phật giáo có đồng hành cùng dân tộc hay không tuỳ thuộc vào tầm nhìn, định hướng và kế hoạch phát triển của chúng ta hiện nay có hợp lý hay không.

Chủ đề hội thảo: “Tổ Khánh Hoà và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam” không ngoài ý nghĩa ‘ôn cố tri tân’ – ôn lại chuyện xưa để biết chuyện nay. Nói cách khác, mượn câu chuyện xảy ra trong quá khứ để chúng ta cùng nhau đắn đo suy gẫm, từ đó rút ra bài học gì từ câu chuyện lịch sử, để làm nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Điều đó biểu thị Phật giáo Việt Nam hiện nay, hay ít nhất là những người trong hội trường này rất quan tâm đến sự hưng thịnh hay suy vong của Phật giáo Việt Nam trong xã hội Việt Nam hiện nay và tương lai, cho nên mới diễn ra buổi hội thảo này.

Với nội dung và ý nghĩa của chủ đề hội thảo, tôi xin phát biểu chủ đề: “Cần kế thừa và phát huy đường hướng chấn hưng Phật giáo của tổ Khánh Hoà”. Với chủ đề này, tác giả xin làm rõ 2 điểm: 1. Lập trường và định hướng chấn hưng Phật giáo của Tổ Khánh Hoà; 2. Ba yếu tố chấn hưng Phật giáo của Tổ Khánh Hoà là nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam ở hiện tại cả tương lai.

  1. Lập trường và định hướng chấn hưng Phật giáo của Tổ Khánh Hoà

Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX ở khắp Châu Á, bắt nguồn từ các đế quốc Phương Tây tiến hành xâm lược chiếm thuộc địa các nước Châu Á, bên cạnh đoàn quân xâm lược của các đế quốc kèm theo sự truyền đạo Thiên Chúa của các Giáo sĩ, đồng thời văn hoá Tây Âu cũng như các ngành khoa học cũng truyền đến các nước Châu Á. Trước thực trạng văn hoá truyền thống dân tộc bị Tây hoá, việc thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên là cách biểu hiện hiếu đạo của các dân tộc Á đông bị xem thường, Phật giáo là tôn giáo được người dân tín ngưỡng cũng bị chà đạp. Sự đảo lộn niềm tin và văn hoá truyền thống này, chắc chắn người dân khó đồng tình, những người con Phật cũng khó chấp nhận, và dĩ nhiên người dân phải có trách nhiệm bảo vệ văn hoá truyền thống của mình, gìn giữ niềm tin đối với bậc Đạo sư mà mình đã tôn thờ. Sự gìn giữ này được các Phật tử thể hiện một cách ôn hoà và chính đáng, dưới hình thức các Phật tử vận động tài lực tu sửa các Phật tích ở Ấn Độ, hay bản thân Phật giáo tự kiểm thảo, tìm khuyết điểm và sửa sai khuyết điểm, để Phật giáo đủ sức tồn tại hay phát triển trong xã hội mới. Có thể nói người đầu tiên đứng lên kêu gọi những người con Phật góp góp tài chánh để tu sửa các Phật tích ở Ấn độ là cư sĩ David Hewavitarane người Tích Lan, sau đó phong trào này dần dần phát triển thành tổ chức, có truyền thông, sau đó trở thành phong trào nghiên cứu Phật học… Trong quá trình vận động, David Hewavitarane được sự ủng hộ từ nhiều người như thi sĩ Edwin Arnold người Anh, đại tá Henry Steel Olcott người Mỹ, bác sĩ Ambedkar, Cư sĩ Dương Nhân Sơn…, thật tế không phải chỉ giới hạn một số người này mà tinh thần bảo vệ Phật pháp lan rộng khắp mọi nơi, trở thành phong trào chấn hưng Phật giáo ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Miến Điện, Tích Lan…trong đó có cả Việt Nam. Khái niệm ‘chấn hưng Phật giáo’ biểu thị người Phật tử muốn bảo vệ chánh pháp trước thời đại mới, bằng cách điều chỉnh cách sinh hoạt, phương pháp hoằng dương Phật pháp sao cho phù hợp với xu thế phát triển xã hội. Do vậy, tự thân Phật giáo kiểm thảo chính mình, tìm biện pháp để thích nghi với xã hội là nhu cầu thật tế và cần thiết của Phật giáo.

 Nếu như phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, tập trung cải cách ba phương diện: Giáo chế, giáo sản và giáo lý, thì ở Việt Nam đặc biệt chú trọng đến phương diện thành lập Phật học viện đào tạo Tăng ni, phiên dịch kinh điển sang chữ Nôm (Việt), cũng như thành lập các thư viện ngành Phật học để hoằng truyền chánh pháp. Định hướng cải cách chấn hưng Phật giáo này được Tổ Khánh Hoà- chánh Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học phát biểu trước Đại hội với nội dung như sau:

Sao gọi là suy đồi thái- quá?

Phật giáo nghĩa là lời dạy của Phật. Lời dạy của Phật tức là Kinh, Luật, Luận, ba tạng.

Tại Trung Hoa, thuở đời Đường, thì ba tạng ấy phiên dịch được 5.048 quyển…

Song tại xứ ta đây, Luật chẳng có, Luận cũng không, chỉ có kinh và sám kể không được 200 quyển.

Than ôi! Nếu so sánh con số 5.048 quyển trong ba Tạng, như vậy nước ta còn thiếu thiếu 4 ngàn 8 trăm ngoài quyển. Vậy mà ai nói rằng Phật-giáo không suy-đồi.

Bởi cớ ấy giáo-đồ phải chịu thất học, lại thiếu người truyền bá giáo lý cho nhơn- chúng tỏ thông.

Thậm chí, phần nhiều làm chức Giáo-thọ mà hỏi nghĩa lý giáo- thọ không hiểu, thọ giới tì-khưu mà hỏi luật tì-khưu chẳng biết. Vậy mà còn ai chưa chịu Phật- giáo không suy- đồi sao?

Vì lẽ ấy nên chúng tôi gắn ra lập hội nầy tại chùa Linh- sơn, để mà lo cho Đạo…

…. Phật- pháp cũng phải theo thời mà cải cách, chớ chẳng nên chấp- nê.

… Tông giáo là giúp đỡ cho xã hội; nay xã hội đã thay đổi phát đạc mà tông giáo còn giữ theo cũ sao?- Nếu tông- giáo còn như vậy thì trái thời, tất phải tiêu diệt.

Hiện nay ở các nước Á- châu, đều có lập Phật- giáo- hội. Bên Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhựt Bổn Miến Điện, Xiêm- La, Cao- Miên, cũng đều có lập trường học Phật ….Còn nước ta quá đổi muộn màng.

Thưa quí ngài, bổn phận của chúng ta, chẳng luận là người tại gia hoặc kẻ xuất gia, ai ai cũng đều là đệ tử của Phật, nên phải thể theo bổn- hoài của Phật….[1]

Qua nội dung bài phát biểu trước Đại hội của Tổ Khánh Hoà – Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, cho thấy Tổ đã nêu rõ nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi Phật pháp ở nước ta do thiếu Tam tạng kinh điển, tức Kinh, Luật, và Luận, nhất là kinh điển ấy vẫn chưa dịch sang Việt ngữ, sách báo Phật học cũng rất sơ sài, nếu không muốn nói là không có, sinh hoạt Phật giáo thời bấy giờ chỉ quanh quẩn trong khoảng 200 bài sám tụng. Nếu Phật pháp chỉ có mấy bài sám tụng thì Tăng ni và Phật tử làm thế nào để hiểu giáo lý nhà Phật, và dựa vào đâu để tu tập. Thực trạng này để lại hậu quả nghiêm trọng mà Tổ Khánh Hoà than: “…làm chức Giáo-thọ mà hỏi nghĩa lý, giáo thọ không hiểu, còn thọ giới tì-khưu mà hỏi luật tì-khưu chẳng biết”. Như vậy, theo Tổ và chư Tôn đức thời bấy giờ, đều xác định rằng nguyên nhân sâu xa làm cho Phật pháp ở nước ta suy đồi: “… bởi không có Phật học đường, kinh sách chưa đủ cho tăng đồ học, và cũng không có Phật học tạp chí để dịch kinh sách chữ Hán ra chữ Quốc âm cho tín đồ xem đặng lãm tường đạo lý[2]. Ở đây Tổ xác định 3 nguyên nhân khiến Phật pháp suy đồi là: 1. Không có Phật học viện để đào tạo Tăng tài; 2. Không có thư viện, tàng trữ kinh sách Phật học để Tăng ni Phật tử tham khảo nghiên cứu; 3. Không có nơi hay đơn vị phụ trách dịch kinh điển sang tiếng Việt. Do vậy, vào năm 1931 chư tôn Hoà thượng và các Phật tử thiện tri thức ở Nam kỳ cùng nhau thành lập hội với tên: ‘Nam kỳ Nghiên cứu Phật học’ gồm 13 thành viên gồm: 1. HT. Khánh Hoà (Hội trưởng); 2. HT. Trí Thiền; 3. HT. Từ Phong;  4. HT. Huệ Quang; 5. HT. Chánh Quả; 6. HT. Thiện Dư; 7. Cs. Trần Nguyên Chấn; 8. Cs. Nguyễn Văn Cần; 9. Cs. Huỳnh Văn Quyền; 10. Cs. Trần Văn Khuê; 11. Cs. Phạm Ngọc Vinh; 12. Cs Nguyễn Văn Nhơn; 13. Lê Văn Phổ. Trong đó Tổ Khánh Hoà được bầu làm Hội trưởng, cơ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, Hội Nam kỳ sẽ sinh hoạt theo bản điều lệ gồm 50 điều, trong đó điều thứ 13 quy định Hội sẽ tiến hành thành lập 5 cơ sở hoằng pháp: 1. Pháp bảo phương, là nơi lưu trữ các kinh điển, Đại tạng kinh, tục tạng kinh bằng chữ Hán, các kinh sách bằng chữ Pháp, Phạn… (Thư viện); 2. Duyệt kinh thất, hình thức là thư viện, là nơi để cho mọi người đọc sách, nghiên cứu….; 3. Thích học đường, là Phật học viện chuyên dạy dỗ đào tạo Tăng ni; 4. Phật học xã, là cơ quan ngôn luận của Phật giáo, toà soạn báo ‘Từ Bi Âm, cũng là nơi dùng để phiên dịch kinh sách chữ Hán sang chữ Việt; 5. Cổ tích sở (Viện Bảo Tàng), là nơi lưu trữ bảo quản những cổ vật của Phật giáo. Đây là 5 công việc cụ thể được Tổ Khánh Hoà gợi ý, được các thành viên trong Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thông qua, biến thành mục tiêu thực thi của hội vào thời bấy giờ.

Qua những gì vừa trình bày, cho thấy 5 hạng mục mà các thành viên trong Hội biến thành mục tiêu hành động của Hội, chúng không phải là những tưởng tượng mang tính hư cấu mà bắt nguồn từ thực tế xã hội của Phật giáo vào thời bấy giờ. Nếu nguyên nhân của sự suy đồi Phật pháp là thiếu hiểu biết về Phật học, thì cách giải quyết của tệ nạn này phải là nâng cao kiến thức Phật học. Việc nâng cao kiến thức Phật học không thể bắt nguồn từ tưởng tượng theo quan điểm cá nhân, mà phải xây dựng trên nền tảng Kinh Luật và Luận; Kinh Luật Luận trong Tam tạng kinh điển không phải do một lần kết tập thành, mà do nhiều lần kết tập, cũng không phải của một bộ phái mà nhiều bộ phái… Vì thế, người muốn hiểu được quan điểm tư tưởng khác nhau trong Phật giáo cần phải được huấn luyện chuyên nghiệp, tức chỉ cho các cơ sở giáo dục. Ngoài ra cần chú ý phương diện kinh điển. Kinh điển là đối tượng nghiên cứu của giới nghiên cứu Phật học. Thành quả nghiên cứu giáo dục có tốt hay không tuỳ thuộc vào nguồn tư liệu gồm kinh và sách có phong phú hay không, nghiên cứu về giáo dục, nếu không có tư liệu ắt hẳn kết quả nghiên cứu bị giới hạn. Như vậy việc phiên dịch Đại tạng kinh từ Hán văn, Tạng văn, Pali văn và cả Phạn văn thành bộ Đại tạng kinh bằng tiếng Việt là nhu cầu cấp thiết cho Phật giáo Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng, Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đề xuất 5 điểm hành động của hội là hợp lý.

  1. Ba yếu tố chấn hưng Phật giáo của Tổ Khánh Hoà vẫn là nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam ở hiện tại cả tương lai

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo duy nhất được nhà nước công nhận, mặc dù trong tổ chức ấy có nhiều tông phái, phương pháp tu tập khác nhau đều được tôn trọng, nhưng về phương diện tổ chức hành chánh thì chỉ có một tổ chức duy nhất, thống nhất từ Nam ra Bắc, từ trung ương đến địa phương. Về phương diện tổ chức hành chánh, tôi cho rằng hình thức Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam khá ổn định. Tuy nhiên, về phương diện phát triển, có một số phương diện hoạt động mà Giáo hội chưa phát huy, có những hoạt động mang tính cầm chừng. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu là một người kiêm nhiệm nhiều chức vụ, sắp xếp nhân sự không chọn theo tiêu chí chuyên môn… điều đó dẫn đến trường hợp có tên tổ chức, có người giữ chức vụ, nhưng không có người giải quyết công việc, kết quả chỉ là những báo cáo trên giấy, thật tế việc đâu còn đấy.

Theo tôi, Phật giáo Việt Nam đang phải gánh lấy nhiều trách nhiệm nặng nề trước dân tộc, trước xã hội hội nhập đa văn hoá đan xen, là một đất nước xem Phật giáo như là một tôn giáo của dân tộc. Quan điểm này không phải tự nhiên mà có, nó bắt nguồn từ Phật giáo luôn xem mình như một bộ phận của dân tộc, lấy nỗi lo của dân tộc xem là nổi lo của Phật giáo, lấy trách nhiệm bảo vệ đất nước của dân tộc như là bổn phận trách nhiệm của mình. Nói cách khác Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Đó là những gì được xác định rõ qua dòng lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, xã hội luôn thay đổi, xã hội đã đổi thay, cách suy nghĩ của con người cũng không thể dừng lại ở một điểm nào đó. Đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn trở mình, muốn hoà nhập sánh vai cùng với 5 châu 4 bể, trong tinh thần bình đẳng, đôi bên cùng có lợi hợp tác làm ăn, do vậy các nước trên thế giới đã đến Việt Nam, Việt Nam cũng đã hoà nhập vào trào lưu chung của thế giới. Sự hoà nhập đó chúng ta không nên đơn giản suy nghĩ chỉ có lợi, mà cần phải hiểu rằng bên sau cái lợi về vật chất, cái bóng của sự phát triển kinh tế, trong ấy tìm ẩn khá nhiều phương diện bất lợi cho xã hội Việt Nam, nếu như chúng ta không chuẩn bị đề phòng tốt. Ví dụ nhân dân Việt Nam đang phải hứng chịu các chất thải độc hại từ những nhà máy, xí nghiệp của cái gọi là phát triển kinh tế; trẻ em Việt Nam đang là con thiêu thân lao vào mặt trái của cái gọi là công nghệ thông tin, tiêu biểu cho văn minh của nhân loại, các tệ nạn xã hội càng ngày càng phức tạp và nhiều hơn; còn nguy hiểm hơn một bộ phận không nhỏ của tầng lớp tu sĩ Phật giáo Việt Nam, là người tiêu biểu cho đạo đức xã hội cũng đang rơi vào con đường sa đoạ….Do vậy, chúng ta cần phải đắng đo suy nghĩ cho thật kỹ hai mặt trong cùng một vấn đề. Vì sự phát triển đất nước, Việt Nam không thể theo chính sách ‘bế quan toả cảng’ mà phải mở lòng dang tay hội nhập cùng với thế giới, đồng thời chấp nhập mặt trái của vấn đề. Tuy nhiên mặt trái của vấn đề nhiều hay ít, nặng hay nhẹ đều tuỳ thuộc vào biện pháp phòng ngừa xử lý của chúng ta. Thế thì biện pháp giải quyết của Phật giáo Việt Nam chúng ta trước thời đại hội nhập là gì?

Theo tôi, nếu chưa tìm ra biện pháp nào tốt hơn, chúng ta cần thực thi 3 trong 5 điểm của Tổ Khánh Hoà hay nói đúng hơn là ý kiến chung của hội ‘Nam kỳ nghiên cứu Phật học’ thì Phật giáo Việt Nam sẽ giải quyết tốt rất nhiều phương diện xấu ở hiện tại và trong tương lai. Vì điều hành Phật giáo Việt Nam trong tương lai, không thể là thế hệ chúng ta, phải là thế hệ Tăng ni trẻ, nếu thế hệ kế thừa này không được đào tạo tốt thì hậu quả của việc điều hành Giáo hội sẽ gặp nhiều khó khăn, phát triển theo hướng bất lợi cho Phật pháp, cho dân tộc và ngược lại. Việc đào tạo tốt cho Tăng ni ngành Phật học, ngoài điều kiện người giảng dạy phải có kiến thức chuyên môn ngành Phật học, cơ sở đào tạo phải có thư viện trang bị đầy đủ kinh sách ngành Phật học. Ở đây, kinh là chỉ cho Tam tạng kinh điển bao gồm kinh luật luận là nguồn tư liệu gốc cho việc nghiên cứu, được ghi chép bằng cổ ngữ là Pali, Hán, hay Phạn, trong đó bộ Đại chánh tân tu Đại tạng kinh có nội dung phong phú nhất. Bộ này vẫn chưa dịch sang tiếng Việt, do vậy một trong những trách nhiệm của người lãnh đạo Phật giáo Việt Nam phải tổ chức, đào tạo người phiên dịch kinh điển sang Việt ngữ, làm nền tảng cho việc đào tạo. Có thể nói đó là 3 nhiệm vụ cần phải thực thi của Giáo hội.

  1. Kết luận

Theo các báo: Từ Bi Âm, Đuốc Tuệ…ghi lại cho thấy, nguyên nhân dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, bắt nguồn từ sự suy đồi trong Phật giáo. Thực trạng cụ thể của sự suy đồi, được Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, cụ thể là Tổ Khánh Hoà chỉ rõ sự thiếu thốn kinh sách, không có trường lớp đào tạo Tăng ni là nguyên nhân dẫn đến Phật pháp suy đồi. Do vậy, chư tôn Hoà thượng vào thời bấy giờ cùng nhau thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học vào năm 1931, với mục đích nhằm chấn hưng Phật giáo, bằng cách thành lập: 1. Thư viện, 2. Phật học viện, 3. Nơi phiên dịch kinh điển… Như vậy 3 điểm này là cách giải quyết cho sự suy đồi Phật giáo thời bấy giờ, mặc dù phương án thứ 2 và 3 cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, nhưng nó trở thành nền tảng, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển Phật giáo ngày nay.

Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn hiện nay không còn hiện tượng suy đồi như thời chấn hưng Phật giáo ở đầu thế kỷ XX, nhưng điều đó không đồng nghĩa Phật giáo chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh cao của trí tuệ, mà chúng ta cần hiểu rằng, Phật giáo Việt Nam chúng ta so với thế giới còn rất lạc hậu về mặt nghiên cứu học thuật. Phật giáo Việt Nam thường tự hào về Phật giáo Việt Nam đã có 2000 năm lịch sử, tuy nhiên có một điều đáng tủi hổ là cho đến nay Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phiên dịch biên tập hoàn chỉnh Bộ Đại tạng kinh bằng tiếng Việt. Trách nhiệm đó thuộc về ai?

Tôi cho rằng, với những gì đang có trong tầm tay của Giáo hội, chúng ta có thể thực hiện những gì trước đây còn khó khan chưa thực hiện được, vì về phương diện chính trị, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất được nhà nước nâng đỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển mang tiêu chí lợi đạo ích đời; Phật tử Việt Nam và các nhà hảo tâm luôn sẵn lòng ủng hộ tinh thần và tài vật để hoằng dương Phật pháp; có điều đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có số lượng tăng ni trẻ khá đông, lại ham thích học tập. Do vậy, chúng ta có thể nói, 3 yếu tố này là điều kiện cơ bản để Phật giáo đào tạo một thế hệ Tăng ni trẻ, có tài đủ đức để kế thừa chư tôn đức, đủ khả năng gánh vát những trọng trách của Giáo hội.

Nếu Phật giáo Việt Nam xem việc đào tạo Tăng ni, phiên dịch và biên tập Đại tạng kinh là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội. Tôi tin rằng tương lai không xa Phật giáo Việt Nam sẽ có Bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh, có đội ngũ tăng ni trẻ đủ tài đức để đảm đương các Phật sự của Giáo hội. Khi Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có kinh điển bằng tiếng Việt, có thư viện chứa đầy đủ kinh sách nghiên cứu, tăng ni là những người rất am tường Phật học, thì trong Phật giáo Việt Nam chúng ta không còn hiện tượng phải nhờ cậy hình thức cúng bái cầu nguyện của các Lạt Ma để thay thế cách tu tập của truyền thống Phật giáo Việt Nam; chúng ta cũng không phải vay mượn kiểu giải thích Phật học của người Hoa cho người Hoa hiểu Phật học, đem nó biến thành các lý giải Phật học cho người Việt Nam. Có như thế chúng ta mới tự hào về một đất nước độc lập, có niềm tin độc lập, cách lý giải Phật pháp cũng độc lập. Đây là điều mà chúng ta cần phải đắn đo trăn trở để xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập.

  1. Đề nghị

Các Học viện Phật giáo Việt Nam tại 3 miền cần tiến hành mở khoa Phiên dịch và biên tập Đại tạng kinh

Xin chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu phê bình lắng nghe.

Tiến sĩ. Thích Hạnh Bình

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền

Sách tham khảo:

  1. Từ Bi Âm;
  2. Đuốc Tuê.

[1] “Từ Bi Âm” 5, ‘Cuộc nhóm Đại Hội của Đại hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học’ trang 30-36.

[2] “Từ Bi Âm” 2, trang 41.