Post: : Admin

Bao nhiêu hạ lạp được gọi là Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Ni sư, Sư bà, Sư cô, Sa Di... câu hỏi thường gặp trong cuộc sống.



Bao nhiêu hạ lạp được gọi là Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Ni sư?

Trong lúc hành đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng như sau theo hiến chương của giáo hội Phật giáo:


Đại đức

Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức. 

Thượng toạ

Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa. 
Hoà thượng

Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng. 
Còn đối với bên nữ (ni bộ):

Sư cô

Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô (hiện nay ở Canada, có giáo hội gọi các vị tỳ kheo ni này là Đại Đức). 
Ni sư

Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư. 
Ni trưởng

Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).


Đó là các danh xưng chính thức theo tuổi đời và tuổi đạo (hạ lạp), được dùng trong việc điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức của giáo hội Phật giáo, không được lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong, nhân dịp đại lễ hay đại hội Phật giáo, trong các giới đàn, hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm. 

Như trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Sư cô nghĩa là Đại đức bên ni bộ.  Ni sư nghĩa là Thượng tọa bên ni bộ. Sư bà (hay Ni trưởng) nghĩa là Hòa thượng bên ni bộ.  Bởi vậy cho nên, các buổi lễ hay văn thư chính thức, thường nêu lên là: “Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni”, chính là nghĩa đó vậy.  Tuy vậy, trên thực tế, chưa thấy có nơi nào chính thức dùng các danh xưng: Đại đức ni, Thượng tọa ni, hay Hòa thượng ni. Nếu có nơi nào đã dùng, chỉ là cục bộ, chưa chính thức phổ biến, nghe không quen tai nhưng không phải là sai.

Đối với các bậc Hòa Thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở giáo hội Phật giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại tùng lâm, Phật học viện, Tu viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng.  Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các hội đồng trưởng lão, hoặc hội đồng chứng minh tối cao của các giáo hội Phật giáo.  Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn (có nghĩa là: thầy tu).


Thích Chân Tuệ